Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đến kiểm tra công tác in sao đề thi, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Vị Thanh (TP. Vị Thanh), điểm thi Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A).
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự chủ động của các trường, địa phương trong công tác chuẩn bị, lên phương án hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới. Ông Sơn lưu ý, các trường tiếp tục rà soát, bám sát quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh, tạo điều kiện cho các em tham gia kỳ thi với tinh thần thoải mái nhất.
Đặc biệt, trong công tác in sao đề thi, ông Sơn yêu cầu, phải chú trọng tính bảo mật, đảm bảo an toàn tuyệt đối, an ninh trong tất cả các khâu. Luôn luôn có các phương án dự phòng để hỗ trợ các tình huống phát sinh; chủ động đề phòng gian lận trong thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
Các trường chú trọng nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không sử dụng điện thoại, không mang điện thoại vào phòng thi; không thực hiện các hành vi gian lận trong quá trình thi, để kỳ thi được tổ chức tốt nhất…
“Dù Hậu Giang đã chuẩn bị chu đáo, cơ sở vật chất đảm bảo, số thí sinh dự thi của tỉnh không cao, nhưng không vì thế mà thiếu tập trung chỉ đạo. Tỉnh Hậu Giang phải có phương án dự phòng cho tất cả các khâu của kỳ thi", ông Sơn nói.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay toàn tỉnh có gần 7.300 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã bố trí 20 điểm thi, với tổng số 320 phòng thi, lập Ban chỉ đạo và phê duyệt các văn bản liên quan để phục vụ tổ chức thi. Hiện, Hậu Giang tập trung tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các bộ phận liên quan.
Đề cập tới hiện trạng ngành GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, ông Thanh cho hay, toàn tỉnh hiện có 314 cơ sở GD&ĐT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 83%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Dù vậy, ngành GD&ĐT tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như thiếu giáo viên, đặc biệt với giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy Anh văn, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, do thiếu nguồn tuyển. Một số trường thiếu phòng học, phòng chức năng theo chương trình giáo dục phổ thông mới...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung không còn “vùng trũng” về giáo dục nữa. Thời gian tới, ông Sơn mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục; tuyển bổ sung giáo viên, đầu tư hoàn thiện trường lớp...
Về bổ sung nguồn nhân lực giáo dục, trong đó có đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT gợi ý tỉnh Hậu Giang vị trí gần Cần Thơ - trung tâm giáo dục đại học của vùng. Trong đó Trường Đại học Cần Thơ sẽ thành đại học vùng, tỉnh có thể chủ động đặt hàng đào tạo nhân lực cho mình.
Bên cạnh đó, Hậu Giang nên định hướng phát triển thêm các trường ngoài công lập để tăng cơ hội lựa chọn cho người học.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá của tỉnh. Với nhiều nỗ lực, từ chỗ là “trũng của trũng”, sau 20 năm, Hậu Giang đã có sự bứt phá vươn lên. Tỉnh cũng xác định GD&ĐT là ưu tiên hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; ban hành các chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ giáo viên, công chức tự đi học, bồi dưỡng để đạt chuẩn…