Rất nhiều người, khi đưa ra nhận xét về tình trạng lộn xộn của giao thông đô thị hiện nay, trong đó có Hà Nội, thường có xu hướng đổ lỗi cho người dân. Còn Bộ trưởng Đinh La Thăng, người tự nhận một phần trách nhiệm về tình trạng đó lại cho rằng, rất khó để có văn hóa giao thông thực sự nếu không cung cấp cho người dân một hệ thống hạ tầng tốt.
Chưa bao giờ đầu tư lớn như hiện nay
Là người đứng đầu Ngành Giao thông vận tải, ông chia sẻ gì về sự phát triển của giao thông Thủ đô trong những năm qua, cũng như sự phối hợp của thành phố với Bộ GTVT trong vấn đề quan trọng này?
Tôi có thể khẳng định, chưa bao giờ hạ tầng giao thông ở Thủ đô được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đầu tư mạnh mẽ như thời gian qua. Lãnh đạo thành phố cũng dành mối quan tâm rất lớn cho vấn đề quan trọng này. Đó là những điều bất cứ ai hàng ngày ra đường ở Hà Nội cũng có thể cảm nhận được ngay.
Đường phố sạch đẹp, thông thoáng hơn, ít điểm ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm, mạng lưới xe buýt cải thiện đáng kể về chất lượng dịch vụ, các tuyến, các điểm đỗ được điều chỉnh hợp lý, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Chúng ta phải ghi nhận nỗ lực đó của Hà Nội.
Trách nhiệm của Bộ GTVT với hệ thống giao thông Hà Nội cũng rất lớn. Ngoài hệ thống giao thông mang tính nội đô như các cầu vượt tại một số nút giao thông trọng yếu để hạn chế ùn tắc (cơ bản đã hoàn thành đưa vào khai thác), đường vành đai 3, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đại lộ Thăng Long, nhà ga T2 Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh…
Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại của Thủ đô, chủ yếu là các tuyến đường cao tốc hiện đại như Pháp Vân - Cầu Giẽ (tuyến đường này sẽ kết nối tới Vinh); cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Thái Nguyên (đã hoàn thành); cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (cố gắng thông xe vào cuối năm 2015); cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, trước mắt tới Bắc Giang và các tuyến quốc lộ hướng tâm khác với quy mô 4 làn xe như Quốc lộ 32, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6…
Hệ thống giao thông đối ngoại này, khi tất cả đều hoàn thành, sẽ bảo đảm sự kết nối hạ tầng đường bộ giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương trong khu vực và cả nước. Khi đó, Thủ đô của chúng ta sẽ có diện mạo và tầm vóc hoàn toàn khác.
Ngoài ra, Hà Nội cũng được ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, là loại hình vận tải hành khách hiện đại, đặc thù, phù hợp xu thế phát triển của Thủ đô trong tương lai, có thể vận chuyển khối lượng lớn, như các tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, Hà Đông - Cát Linh…
Tới đây, đầu năm 2015, khi Dự án Nhà ga T2 Nội Bài được khai thác, năng lực vận tải đường không của Hà Nội sẽ tăng lên đáng kể so với hiện nay, mở ra cơ hội giao thương quốc tế lớn hơn cho Hà Nội, kéo theo những thay đổi ngoạn mục khác.
Về sự phối hợp giữa Bộ GTVT và thành phố Hà Nội, tôi có thể nói, chưa bao giờ chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý trong việc quyết tâm xây dựng được một hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ, đẹp đẽ, hiện đại… như mấy năm qua. Nếu không có sự đồng thuận cao đó, những dự án giao thông lớn do Bộ GTVT trực tiếp đầu tư như tôi vừa kể rất khó thực hiện đúng tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều người dân Thủ đô và chắc là cả Bộ trưởng cũng chưa hài lòng về giao thông Hà Nội?
Đòi hỏi có cuộc sống ngày càng tốt hơn về chất lượng là chính đáng của người dân và không bao giờ có điểm dừng, trừ khi mọi thứ không phát triển nữa! Tốt rồi vẫn có thể và cần phải tốt hơn.
Nhìn từ góc độ ấy, rõ ràng mọi thứ đều luôn còn rất nhiều việc phải làm, chứ không riêng gì giao thông Hà Nội. Tôi sẽ không né tránh vì trong những thứ còn chưa hài lòng, có cả phần trách nhiệm của Bộ GTVT và cá nhân tôi.
Ví dụ, hiện tượng lộn xộn do quản lý chưa tốt và do hạ tầng bị quá tải tại một số bến xe kéo dài quá lâu mà chưa có giải pháp rốt ráo; thật cầu thị thì phải nhận thấy rằng thành phố còn thiếu hạ tầng để thực hiện kết nối các phương thức vận tải đô thị. Hiện tượng các bộ phận thiếu sự kết hợp khi sửa chữa, làm mới công trình giao thông còn xảy ra, vừa lãng phí vừa làm ảnh hưởng độ bền và thẩm mỹ của từng công trình.
Ngoài ra, công tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án mà nổi cộm nhất là dự án đường sắt đô thị và loại hình xe buýt nhanh chưa bảo đảm đúng tiến độ được phê duyệt. Tại một số địa bàn của thành phố, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quan trọng còn có hiện tượng dây dưa kéo dài.
Tuy nhiên, như ở trên tôi đã nói, lãnh đạo thành phố có một quyết tâm rất lớn, vì thế tôi hy vọng những vướng mắc trên sẽ sớm được khắc phục. Tôi tin rằng, Hà Nội đang và sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ cho vấn đề giao thông, kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng hạ tầng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xử phạt nghiêm các vi phạm để Thủ đô an toàn và thân thiện hơn, với một văn hóa giao thông kiểu mẫu mà tất cả chúng ta cùng mong đợi.
Tôi đi làm từ 6 giờ 15 phút sáng
Bộ trưởng đã nói đến văn hóa giao thông Hà Nội mà theo Bộ trưởng là kết hợp giữa sự nhường nhịn và thói quen chấp hành luật lệ đi đường. Để xây dựng được nề nếp này ở Hà Nội thì cần điều kiện gì, thưa ông?
Văn hóa giao thông thì ở đâu cũng cần và phải xây dựng bằng được chứ không riêng Hà Nội. Điều kiện quan trọng nhất để an toàn khi đi đường là ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân. Nhưng muốn có văn hóa giao thông, hiểu như một nề nếp, một thói quen có văn hóa khi tham gia giao thông, cần rất nhiều yếu tố khác tham gia.
Đó là tính gương mẫu, sự cảm thông chia sẻ, thói quen quan tâm đến người xung quanh, nhất là với người già, phụ nữ và trẻ em. Nhưng ngay cả trong vấn đề đòi hỏi nề nếp của người tham gia giao thông, chúng ta cũng không được duy ý chí.
Không thể có thứ văn hóa giao thông như tôi vừa nói nếu không có một hệ thống hạ tầng tử tế, đủ cho mọi loại hình giao thông tham gia một cách công bằng.
Hiện nay, đất dành cho giao thông trong đô thị của Hà Nội (và một số đô thị khác) quá thấp, chỉ từ 6 - 8%, trong khi theo quy hoạch (và thông lệ quốc tế) phải từ 16 - 24%.
Ở các nước, tại những đô thị lớn, người ta có đường riêng cho từng loại xe, còn ở ta thì chủ yếu vẫn là giao thông hỗn hợp. Rất khó để lúc nào người tham gia giao thông cũng có thể chấp hành các quy định!
Khi vỉa hè chật cứng xe máy, người đi bộ đành phải xuống lòng đường. Tất cả những chuyện đó đều có phần nguyên nhân từ lỗi của hệ thống hạ tầng, không hẳn chỉ do ý thức kém của người dân.
Cá nhân Bộ trưởng có khó khăn gì không khi tham gia giao thông ở Hà Nội?
Tôi thường có thói quen đi làm từ rất sớm, 6 giờ 15 phút đã ra đường rồi, chậm nhất cũng chỉ gần 7 giờ là có mặt ở cơ quan, vì thế tôi may mắn không bao giờ bị tắc đường.
Ngoài sở thích được nhìn ngắm cuộc sống lúc sáng sớm, khi không khí xung quanh còn tương đối yên tĩnh, tận dụng để có chút thư giãn, tôi luôn có một loạt công việc cần phải giải quyết và tôi rất thích giải quyết chúng ở thời điểm trong lành ấy, trước khi vào ngày làm việc mới.
Tất nhiên, nhiều người không có điều kiện và không nhất thiết cứ phải đi làm sớm như tôi. Nhưng nếu được, tôi vẫn muốn đưa ra lời khuyên: Mỗi người hãy tham gia giao thông một cách hợp lý nhất về thời gian, nếu có thể.
Hãy sắp xếp công việc khoa học để không phải đi lại những quãng đường chồng chéo nhau một cách vừa lãng phí, vừa góp phần gây ra hiện tượng quá tải giao thông.
Đó chính là cách mỗi người chia sẻ khó khăn chung với cộng đồng. Chúng ta cứ nghĩ văn hóa giao thông là thứ gì đó xa vời, khó đạt được nhưng thực ra là sự gom góp những hành vi đẹp đẽ, có trách nhiệm hằng ngày của mỗi người để rồi hình thành nên thói quen tốt cho cộng đồng.
Đa dạng hóa các nguồn lực
Nguồn lực đầu tư cho giao thông rất lớn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay, theo Bộ trưởng, Hà Nội cần làm gì để thu hút thêm các nguồn lực xã hội?
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... là bộ mặt của đất nước, nên cả nước phải có trách nhiệm xây dựng Hà Nội. Ngoài những cơ sở hạ tầng quan trọng khác, hệ thống giao thông Hà Nội vô cùng quan trọng trong việc tạo cho Hà Nội một hình ảnh hiện đại, văn minh.
Lẽ dĩ nhiên một mình Hà Nội không thể có đủ nguồn lực, mà cần được sự hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương. Nhưng với một Thủ đô đang phát triển mạnh mẽ nhất nhì khu vực, nhu cầu để Hà Nội nâng cấp, cải tạo, làm mới hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông luôn lớn hơn khả năng đáp ứng của các nguồn ngân sách vừa nêu.
Vì vậy, chỉ còn cách là phải thu hút mọi nguồn lực xã hội. Tức là trước hết Hà Nội cần phải có một cơ chế huy động vốn đầu tư hợp lý, khoa học và linh hoạt.
Những công trình lớn thì cả Trung ương và thành phố hợp sức đầu tư. Các dự án quy mô cỡ vừa và nhỏ thì có thể giao cho tư nhân làm theo hình thức BOT. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì không thể, hoặc rất lâu nữa Hà Nội mới có bộ mặt giao thông đô thị như người dân Thủ đô (trong đó có tôi) mong muốn.
Rất may là các đồng chí lãnh đạo Hà Nội cũng đã tính đến phương án này và chúng tôi có sự nhất trí rất cao trong việc phối hợp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư giao thông Thủ đô.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
“Tôi chân thành mong muốn Thủ đô Hà Nội, với truyền thống ngàn năm văn hiến, sẽ luôn đi đầu trong việc xây dựng một văn hóa giao thông thật sự văn minh, kết hợp giữa sự lịch lãm, tinh thần nhường nhịn của người Tràng An với thói quen chấp hành tốt luật pháp, có thể làm gương cho cả nước”
Bộ trưởng Đinh La Thăng