Bộ Y tế: Nhất quán cấm thuốc lá điện tử
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 11/11, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt vấn đề, Bộ Y tế đã có đầy đủ căn cứ về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thế hệ trẻ và đề nghị cấm lưu hành tại Việt Nam.
Đại biểu Thái nêu, dù chưa được cấp phép, nhưng hiện nay, có thể mua bán các mặt hàng này rất dễ, giá rất rẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Công Thương nêu quan điểm về vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, các loại hình thuốc lá thế hệ mới chưa được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, vì thế, khi chưa nhận diện được, mà cho nó là thuốc lá là chưa có cơ sở. Nhưng, nếu chứng minh, gọi các loại mới này là thuốc lá, thì "thống nhất không khuyến khích sử dụng, đặc biệt là sản xuất hướng tới trẻ em sử dụng thì càng không chấp nhận được".
Đại biểu Hạ nêu, cần chứng minh các loại thuốc lá thế hệ mới này là thuốc lá, có tác hại thế nào để so sánh, bởi cũng có thông tin loại thuốc lá nung nóng có tác hại không bằng thuốc lá truyền thống. Ông Hạ cũng nêu, cần phân định rõ là cấm sản xuất, nhập khẩu, hay cấm sử dụng để có chế tài phù hợp.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Bộ Y tế bày tỏ quan điểm "nhất quán cấm thuốc lá điện tử". Bà Lan cho hay, trong báo cáo gửi Chính phủ, bộ đã trình bày rất dài về đánh giá tác động, ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các phân tích khoa học... để lý giải tại sao cần cấm.
Trao đổi rõ hơn liên quan đến ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, bà Lan cho biết, trên thị trường có loại thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và loại lai giữa hai loại hình này. Với loại nung nóng, có thể dùng sợi thuốc lá, sợi cellulose để tẩm hoá chất rồi đốt nóng, tạo ra hương vị như thuốc lá. Bộ trưởng Lan cho biết, ngoài nicotin, có hàng chục nghìn chất có thể tẩm ướp vào.
"Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có bằng chứng nào nói là thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử bởi đều có nicotin và có ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cho nên về quan điểm, kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoặc loại lai thì chúng ta đều phải cấm", Bộ trưởng Lan khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, đã xuất hiện tình trạng nhập lậu các bộ phận của sản phẩm thuốc lá điện tử, nhập lậu chất ma tuý sau đó pha chế, sản xuất thuốc lá có chứa ma tuý bán tại thị trường Việt Nam với số lượng lớn.
Do thuốc lá điện tử có thể trộn các chất khác, theo bà Thu, tiềm ẩn gây nên hiện tượng hoang tưởng, ảo giác, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của thanh, thiếu niên mà còn gây lệch chuẩn trong tâm lý, lối sống, tác động tiêu cực đến sức khoẻ sinh sản, chất lượng nòi giống.
"Trên thực tế tình trạng người trẻ nhập viện điều trị rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử ngày càng tăng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu phòng chống ma tuý. Theo bộ trưởng, có nên tham mưu ban hành việc cấm thuốc lá điện tử trong nghị quyết này hay không?", bà Thu nói.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: "Chúng tôi rất mong muốn sớm có giải pháp mạnh cấm thuốc lá điện tử". Việc đưa nội dung cấm vào nghị quyết cũng là một vấn đề có thể nghiên cứu, xin ý kiến Quốc hội. Bà Lan nêu, trong quá trình xin ý kiến về tác hại của thuốc lá điện tử, Bộ Công an cũng rất ủng hộ cấm, bởi hiện nay xuất hiện tình trạng có các vụ án, vụ việc trộn ma tuý vào sản phẩm thuốc lá để bán ra thị trường; cần thiết có giải pháp mạnh để đối phó.
Bộ trưởng Công Thương: Có hại cho sức khỏe thì phải cấm
Tham gia trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quy định trong Luật. Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản quy định của pháp luật có liên quan. "Do vậy trong thời gian dài vừa qua có khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này", ông Diên nói.
Theo ông Diên, những năm 2019 - 2020, loại hình này đã phát triển khá mạnh ở Việt Nam, vì thiếu công cụ quản lý thuốc lá thế hệ mới nên Bộ Công Thương thời điểm đó đã đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng đề án thí điểm để quản lý loại hình này. Khi lấy ý kiến, nhiều bộ ngành đồng ý với đề án của Bộ Công Thương, nhưng có bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế phản đối, cho rằng nó có hại cho sức khỏe.
Trước đó, khi đặt câu hỏi, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng mạnh mà khó kiểm soát. Vì vậy, Bộ Công an muốn cấm nhập khẩu, phân phối và quảng cáo dạng thuốc lá này, nhưng Bộ Công Thương muốn nghiên cứu thí điểm thêm để quản lý tốt hơn.
"Không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm các loại thuốc lá này. Theo Bộ trưởng thì các nhóm lợi ích này có vận động thành công ở Việt Nam hay không? Trách nhiệm của Bộ Y tế tham mưu ra sao mà đến nay Chính phủ chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này?", đại biểu đoàn Gia Lai đặt câu hỏi và đồng thời chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Công Thương.
"Từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, thống nhất nếu nó có hại với sức khỏe thì phải cấm. Chúng tôi kiên trì đề xuất sớm ban hành khung khổ pháp lý để cấm loại này. Chưa bao giờ Bộ Công Thương hay cá nhân tôi đề xuất tiếp tục đề án thí điểm này cả", ông Diên nói, đồng thời nhắn nhủ "đại biểu Hoàng Anh nhớ hơi lâu nhưng chưa đúng bản chất tình hình, bởi chúng tôi không đề nghị như thế".
Ông Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh và cấp đăng ký thông báo cho website đăng ký kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Bộ cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến buôn lậu thuốc lá điện tử.
"Thời gian tới, Bộ Công Thương thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm cho ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng với loại hình này, khắc phục khoảng trống pháp lý", ông Diên nêu.