Bộ GTVT đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho cầu Long Biên

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia với cầu Long Biên trên tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Đồng Đăng.
Để bảo tồn cầu Long Biên, Bộ GTVT có đưa ra một phương án xây dựng cầu đường sắt cạnh cầu Long Biên.Ảnh: Đoàn Loan

Trước đó, hồi tháng 4, UBND TP Hà Nội đã chấp nhận đề nghị xếp hạng cầu Long Biên là di tích lịch sử cấp quốc gia theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đến ngày 26/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã gửi văn bản yêu cầu Sở tổng hợp, đề xuất đảm bảo đúng quy trình, quy định, thực hiện đầy đủ việc xếp hạng di tích này.

Hà Nội đề xuất xếp hạng di tích cấp quốc gia cho cầu Long Biên vì đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng và từng là một trong 4 cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông vào thế kỷ 19.

Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân thủ đô.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, theo quy định của luật di sản, những hiện vật có tuổi thọ từ 100 năm trở lên sẽ được coi là di sản. Ngoài ra, muốn công nhận là di sản cũng cần có thủ tục hành chính để công nhận. Thủ tục hành chính hiện nay đang có “vướng mắc” nên cây cầu chưa được xếp hạng.

Liên quan đến dự án đường sắt qua khu vực cầu Long Biên, Bộ GTVT đã đề xuất 3 phương án xây mới và cải tạo cây cầu theo kiến trúc cũ. Tuy nhiên, cả 3 phương án đều chưa nhận được đồng thuận của các chuyên gia lịch sử, văn hóa.

UBND Hà Nội yêu cầu Bộ Giao thông tiếp tục nghiên cứu các phương án khác. Hồi tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu không phá cầu Long Biên, giao Bộ GTVT và các bộ cần nghiên cứu thêm.

Theo Bá Đô