Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đề thi minh họa được giới thiệu nhằm giúp thí sinh hình dung được cách thức ra đề, từ đó yên tâm ôn tập. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh đại học, cao đẳng). Kiến thức cơ bản chiếm khoảng 60% và kiến thức nâng cao chiếm khoảng 40% đề thi.
Đề thi sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Năm thứ hai tổ chức kỳ thi với hai mục đích, Bộ duy trì tổ chức thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài mỗi môn 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Chính sách cộng điểm ưu tiên cũng đang được Bộ Giáo dục tiếp thu ý kiến và cân nhắc quyết định. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay, về cơ bản chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn giữ ổn định như năm 2015.
"Không thể không cộng điểm cho những học sinh ở vùng sâu, dân tộc thiểu số, con em những người có công với cách mạng. Chỉ đi đến những vùng cao chúng ta mới biết được điều kiện ở đó thiếu thốn như thế nào. Cộng điểm là việc làm cần thiết đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tất nhiên khi xây dựng quy chế chúng tôi còn căn cứ vào nhiều yếu tố, như dữ liệu tuyển sinh những năm gần đây và đề nghị của Ủy ban Dân tộc", vị này nói.