Sáng nay (12/3), tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh này có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước để bàn về việc hợp tác thực hiện dự án đường cao tốc đi qua hai địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Phước thông tin thêm về dự án xây dựng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Theo đó, ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, dài 69km với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước và điểm cuối là huyện Chơn Thành, dự kiến xây dựng từ 6 đến 8 làn xe, hoàn thành vào năm 2030 với tổng kinh phí trên 24 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cũng thông tin thêm về hiện trạng sử dụng đất, các tuyến giao thông hiện hữu dự kiến tuyến cao tốc sẽ đi qua trên địa bàn.
Về phần Bình Dương, tuyến cao tốc có khoảng 57km đi qua. Trong đó, 28km phải xây trên cao do đi qua các khu dân cư và các tuyến giao thông hiện hữu của tỉnh; dự kiến phải xây dựng 10 cầu vượt. Đoạn qua tỉnh Bình Phước, các bên đề xuất xây dựng 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Sau khi nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước cơ bản thống nhất về hướng tuyến, chiều dài, quy mô tuyến đường và tổng mức đầu tư.
Liên quan đến tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi ghi nhận sự phối hợp của các đơn vị thuộc tỉnh Bình Dương. Qua đó, để Bình Phước tiếp tục nghiên cứu những nội dung liên quan trước khi trình các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định.
Nói về dự án cao tốc này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đánh giá cao và cho rằng không chỉ đối với sự phát triển 3 tỉnh, thành mà còn có ý nghĩa kết nối giao thông, tạo liên kết vùng, vì sự phát triển của cả khu vực phía Nam.
Dịp này, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã thống nhất, ký kết biên bản ghi nhớ về sự hợp tác phát triển thời gian tới và trong triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Trong một diễn biến khác, Bình Dương vừa tổ chức buổi làm việc trực tuyến để kêu gọi đầu tư từ phía Nhật Bản trong tình hình mới. Tham dự tại các điểm cầu có ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh và 180 doanh nghiệp tại Nhật Bản.
Báo cáo cho thấy, Bình Dương có 323 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng số vốn trên 5,7 tỷ đô la Mỹ, đứng đầu trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Dương.
Bình Dương cũng giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về việc triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh nhánh N2 về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhánh phía Đông kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng cầu vượt, hầm chui trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13,... Kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cảng trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính.
Đối với các vấn đề được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm như nhà xưởng cho thuê, khu nhà ở dành cho công nhân lao động, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, Becamex đã xây dựng 200.000m2 xưởng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.