Bình Dương thông tin công bố quy hoạch, thời gian khánh thành các dự án trọng điểm

TPO - Chiều 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo để thông tin về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển lãm năng lượng và tự động hóa thế giới tại Việt Nam năm 2024.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết, vào ngày 26/9 tới, Bình Dương sẽ tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nhân cho biết thêm, chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động: Khánh thành các công trình trọng điểm mang tính kết nối vùng là cầu Bạch Đằng 2 kết nối Bình Dương với tỉnh Đồng Nai; đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; công bố quy hoạch tỉnh; khởi công các dự án trọng điểm gồm vòng xoay A1, khu công nghiệp Cây Trường; Hội chợ triễn lãm quốc tế.

Lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các địa phương kết nghĩa, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kiện còn được tổ chức trực tuyến đến hơn 200 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh trong cộng đồng ICF thế giới.

Với tính chất quan trọng như trên, chuỗi sự kiện này có sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu với 400 gian hàng triển lãm quốc tế và 1.000 doanh nghiệp đối tác được trưng bày tại Trung tâm triển lãm WTC Expo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Theo mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người).

Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, thông tin tại họp báo

Đồng thời, phương án quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030, Bình Dương sẽ có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An); 2 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại II (Tân Uyên, Bến Cát); 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã - đô thị loại IV (huyện Bàu Bàng); 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Tân Thành - huyện Bắc Tân Uyên; thị trấn Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo; thị trấn Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng); thành lập mới một số đô thị thuộc huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88-90%.

Phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn với vùng đô thị trung tâm TPHCM theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cụ thể:

Khu vực phía Nam gồm: Dĩ An - Thuận An chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng về thương mại và dịch vụ logistics; khu vực Thủ Dầu Một phát triển hoàn thiện thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ và đổi mới sáng tạo; khu vực Bến Cát - Tân Uyên phát triển hoàn thiện mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại;

Khu vực phía Bắc (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp sinh thái có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tại buổi họp báo, phóng viên báo Tiền Phong đã đặt câu hỏi liên quan đến quy hoạch tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Từ năm 2015, Bình Dương đề ra mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2019. Tuy nhiên, chưa đạt được với lý do Bình Dương có 2 tiêu chí không đáp ứng, đó là số đơn vị hành chính trực thuộc (cấp huyện) phải là 11 đơn vị, trong khi địa phương chỉ có 9 đơn vị và tiêu chí về mật độ dân số của Bình Dương cũng không đạt. Theo quy hoạch đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vậy hai tiêu chí trên, Bình Dương có thể đạt được không?”.

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết, quy hoạch giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải nỗ lực đạt được. "Để đáp ứng đủ tiêu chí trở thành thành phố Trung ương là không hề dễ dàng khi địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức. Để địa phương hoàn thành được mục tiêu, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị"- ông Nhân trả lời.