Bình Dương lên kế hoạch ứng phó hoàn lưu bão số 9

TPO - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, chiều tối ngày 25/11, khu vực tỉnh Bình Dương sẽ có mưa to và gió giật mạnh. Cơ quan chức năng tỉnh này đã lên kế hoạch đối phó khi bão đến, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Sáng 25/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết đã gửi công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, huyện, thị, thành phố Thủ Dầu Một; xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp theo phương án phòng tránh, ứng phó khi áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Bình Dương.

Theo đó, các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h để nắm chắc diễn biến tình hình; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và có hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình; chủ động báo cáo nhanh tình hình diễn biến của bão, mưa lũ, xả lũ các hồ chứa quốc gia, triều cường; đề xuất công tác ứng phó báo cáo Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời; thông báo đến các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

 Ảnh hưởng bão số 9, Bình Dương đổ mưa lớn từ trưa 25/11

Công văn nêu rõ, các đơn vị chức năng xác định các khu vực xung yếu, tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện cho các xã, phường, thị trấn thực hiện việc phòng tránh và tổ chức sơ tán, di dời dân kịp thời, an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một, các xã, phường, thị trấn triển khai ngay kế hoạch chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa trước bão; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ các gia đình bị nạn do bão gây ra.

Đồng thời, chuẩn bị ngay phương án tổ chức di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn, đảm bảo cung cấp hậu cần, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư. Các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng y, bác sỹ tại chỗ, phương tiện, thiết bị, thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho người dân.

Các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một ven các sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé, Thị Tính), khu vực có nguy cơ sạt lở cao tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Các đơn vị quản lý kiểm tra các công trình thủy lợi để phát hiện kịp thời các sự cố, có biện pháp thực hiện sửa chữa ngay.