Bình Dương dự tính nâng cấp đường huyết mạch kết nối với TPHCM và khu vực Đông Nam bộ

TPO - Đường Mỹ Phước Tân Vạn dài hơn 62km, là tuyến huyết mạch tại Bình Dương, kết nối với TPHCM và khu vực Đông Nam bộ sẽ được đầu tư nâng cấp theo hình thức PPP, có trạm thu phí để tạo nguồn thu xây dựng các công trình mới.

Ngày 25/9, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng tại phiên họp UBND tỉnh lần thứ 70 khóa X.

Theo đó, cuộc họp đã xem xét hồ sơ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án đầu tư hoàn thiện đường Mỹ Phước Tân Vạn theo phương thức PPP.

Phó Chủ tịch Thường trực Mai Hùng Dũng cho rằng, hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chưa đảm bảo theo quy định và còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải được làm rõ. Vì vậy, tạm thời UBND tỉnh chưa xem xét việc chấp thuận giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án đầu tư hoàn thiện đường Mỹ Phước Tân Vạn theo hình thức PPP.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với sở, ngành hoặc tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan và Tổng Công ty Becamex IDC khẩn trương rà soát, xử lý các tồn đọng, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đường Mỹ Phước Tân Vạn dài hơn 62km từ quốc lộ 1A tới Trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng. Trong đó, đoạn từ quốc lộ 1A tới địa phận TP.Thủ Dầu Một có 6 làn xe; từ điểm cuối TP.Thủ Dầu Một tới huyện Bàu Bàng đường có 10 làn xe với vận tốc tối đa 80km/h.

Tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn đoạn từ điểm cuối TP. Thủ Dầu Một đến huyện Bàu Bàng có 10 làn xe

Từ năm 2020, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Trong đó, đường Mỹ Phước Tân Vạn được đầu tư nâng cấp theo hình thức đối tác công-tư (PPP), đặt một trạm thu phí.

Đường sử dụng nhiều năm mới thu phí

Dự kiến, trạm thu phí sẽ được đặt gần nút giao giữa đường Mỹ Phước Tân Vạn và đường Lê Thị Trung (TP.Thuận An). Thời gian thu phí dự kiến trong vòng 30 năm, với tổng số tiền ước thu 9.628 tỉ đồng.

Đường Mỹ Phước Tân Vạn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện đoạn qua địa bàn TP. Thuận An và TP. Dĩ An, nhất là giờ cao điểm

Về lý do đường Mỹ Phước Tân Vạn đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng đến giờ đặt trạm thu phí, báo cáo thẩm định dự án cho biết, việc xây dựng trạm thu phí chỉ là một hạng mục nhỏ trong tổng dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc trên các tuyến đường. Việc đặt trạm thu phí không phải để hoàn vốn làm đường Mỹ Phước Tân Vạn mà tạo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng mới, có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Tiêu biểu như làm hàng chục cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn giữa đường Mỹ Phước Tân Vạn và các tuyến đường chính để giảm ùn tắc giao thông với hơn 3.600 tỉ đồng, làm 7 đường gom dân sinh dọc đường Mỹ Phước Tân Vạn và đường ĐT.743 với chi phí 345 tỉ đồng.

Ngoài ra, một hạng mục quan trọng khác của dự án này là tạo nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 4 tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương gồm Mỹ Phước Tân Vạn, ĐT.746, ĐT.747, ĐT.743) trong thời gian tới.

Với hướng đi này, Bình Dương sẽ có thêm các hạng mục giao thông mới giảm ùn tắc, vừa giúp ngân sách không phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường lớn. Ước tính chi phí duy tu, bảo dưỡng cho 4 tuyến đường thuộc dự án trong suốt 30 năm lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Hạng mục xây dựng trạm thu phí đường Mỹ Phước Tân Vạn chỉ là 48 tỉ đồng, chiếm phần chi phí nhỏ trong tổng mức đầu tư của dự án.