Bình Định hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 'nhóm tàu nguy cơ vi phạm cao'

TPO - Sáng 27/9, HĐND tỉnh Bình Định Khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, khai mạc Kỳ họp lần thứ 18 (kỳ họp chuyên đề lần thứ 11) để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Chủ tọa chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Trương Định)

Tại kỳ họp, một nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá của ngư dân Bình Định có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, thường xuyên di chuyển ngư trường tại các tỉnh phía Nam, nhằm thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đại biểu Phạm Hồng Sơn (đơn vị TP. Quy Nhơn) đề nghị làm rõ một số nội dung trong việc ban hành chính sách. Đại biểu đặt vấn đề, tại sao chỉ hỗ trợ đối với tàu hành nghề câu mực (chiều dài từ 12m đến dưới 15m) mà không hỗ trợ các tàu hành nghề khác? Tại sao không hỗ trợ mang tính chất lâu dài hơn, mà chỉ trong năm 2024.

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho hay, Bình Định có 218 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, hoạt động nghề câu mực di chuyển vào các ngư trường phía Nam, trong đó tập trung nhiều ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định. (Ảnh: Trương Định)

Theo ông Phúc, từ đầu năm 2024 đến nay, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đa phần là những đối tượng tàu này. "Chúng ta phải xác định đây là một trong những đối tượng có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài rất là lớn", ông Phúc nói.

"Bình Định hiện đã triển khai lắp đặt thiết bị GSHT cho 148 tàu/218 tàu. Kinh phí hỗ trợ cho mỗi tàu là 10 triệu đồng", ông Trần Văn Phúc.

Đại biểu Phan Trường Sơn (Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, đơn vị thị xã Hoài Nhơn) cũng nhất trí với việc ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu nêu, chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị GSHT là cho tàu cá của ngư dân Bình Định, nhưng trên thực tế có những tàu cá mang số hiệu Bình Định nhưng đã bán ra ngoài tỉnh, chủ tàu không phải là người Bình Định.

Theo đại biểu Sơn, qua báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay có 218 tàu hành nghề câu mực, đây là những phương tiện có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, trong khi số lượng tàu câu mực của tỉnh cao hơn số lượng này.

Đại biểu Phan Trường Sơn nêu thực trạng. (Ảnh: Trương Định)

“Những tàu nằm ngoài số 218 tàu này nếu họ di chuyển vào các ngư trường phía Nam thì có được thụ hưởng chính sách này hay không?”, đại biểu Sơn nói, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu làm rõ các vấn đề.

Phát biểu giải trình thêm nội dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, theo quy định của Trung ương, nhóm tàu này không bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, thực tế quản lý thấy rằng việc vi phạm vùng biển nước ngoài phần lớn lại thuộc về nhóm tàu này.

Ông Giang nêu quan điểm “có còn hơn không” nên phải yêu cầu lắp đặt, và phải có hỗ trợ để người dân có sự đồng thuận.

Theo ông Giang, mặc dù tỉnh đã triển khai tất cả các biện pháp theo hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương, nhưng tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài của tàu cá mang số hiệu Bình Định vẫn còn. Đây cũng là một giải pháp "tình thế” trong điều kiện hiện nay để tháo gỡ thẻ vàng IUU. Về lâu dài, ông Giang cho biết sẽ có những giải pháp căn cơ hơn nữa để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong các cuộc họp với Ban Chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định đã và đang kiến nghị với Trung ương phải đưa nhóm tàu này vào diện bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT.

Tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, khẳng định sự cần thiết trong việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang bị thiết bị GSHT cho số tàu cá nêu trên.