Những xạ thủ dưới đáy sông
Vũng Bọt nước xanh ngắt là nơi hai nhánh sông Bắc, sông Nam từ Huế và Quảng Nam chảy về hợp nhất. Từ Vũng Bọt đổ về xuôi sông nước hiền hòa và được gọi sông Cu Đê. Từ bao đời nay, người dân Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí của xã Hòa Bắc nương mình vào núi rừng để mưu sinh. Họ tin rằng, những sản vật mà núi rừng, thượng nguồn sông mang đến là quà tặng của thần linh, của Giàng, của mẹ thiên nhiên nên rất mực quý trọng. Một trong những sản vật đó, có loài cá Niên thơm ngon, mà thực khách phương xa chỉ cần một lần nếm thử sẽ nhớ mãi, mong được tìm về.
Lớn lên giữa núi rừng hoang dã, những chàng trai Cơ Tu nơi đây từ bé đã ngụp lặn khắp đáy sông, vực suối và sớm trở thành những kình ngư bơi lặn như rái cá, lặn sâu cả chục mét là chuyện thường.
Trong ký ức nhiều người, trước đây Vũng Bọt, sông Bắc, sông Nam, sông Cu Đê các loại cá, trong đó có cá Niên nhiều vô kể. Có nơi cá bơi thành đàn, nhiều đến mức sông, suối lấp lánh khi nắng chiều rọi xuống. Những cậu bé Cơ Tu được cha ông dạy cách săn cá Niên to bằng cách bắn súng từ bé. Với chiếc súng tự chế trên tay, họ lặn nhắm bắn những con cá lớn mang về dân làng và gia đình cùng ăn. Khả năng nín hơi lặn, bắn cá chính xác dưới nước của nhiều chàng trai rất điêu luyện, nổi tiếng khắp vùng.
Tóc dài, bộ râu bụi bặm, Bùi Hoài Vũ tướng mạo già hơn tuổi 30. Vũ là người nổi tiếng không chỉ là thợ lặn bắt cá Niên giỏi mà còn là một trong những chàng trai Cơ Tu ở Hòa Bắc phát triển du lịch sinh thái, anh làm hẳn đơn vị lữ hành để dẫn du khách khám phá núi rừng Hòa Vang.
Lớn lên cùng núi rừng, Vũ sớm trở thành xạ thủ săn cá. Ký ức tuổi thơ của Vũ là những buổi chiều sau giờ đến lớp cùng bạn bè kéo nhau ra Vũng Bọt, sông Cu Đê tìm những vùng nước sâu thỏa thích tắm mát và lặn bắn cá Niên.
Súng tự chế của thợ săn cá Niên là một thanh gỗ thẳng, đầu gắn dây cao su, phần báng súng kèm cò tự chế và một mũi tên sắt nhọn. Để bắn được cá dưới nước không hề dễ, ngoài việc tập lấy hơi, nín thở lâu khi xuống nước thợ săn cá phải tập bắn tên chính xác bởi cá Niên bơi rất nhanh.
Vũ cho biết: Để bắt được cá to, phải lặn sâu xuống 5-6 m. Khi thấy mục tiêu, thợ săn phải căn và đoán được hướng bơi của cá rồi mới bóp cò. Nếu lặn cùng lúc 2 đến 3 người sẽ lùa cá về hang, hốc đá rồi cùng bắn. Bắn xong, nếu hết hơi sẽ phải ngoi lên mặt nước lấy hơi rồi lại lặn xuống gom chiến lợi phẩm.
Theo người dân địa phương, cá Niên trưởng thành chỉ tầm 2-3 lạng (0,2 - 0,3kg), hiếm gặp cá lớn hơn.
Dù lặn bắn cá giỏi nhưng Vũ nói vẫn phải ngả mũ trước đàn em Trương Xuân Tuấn ít hơn mình 3 tuổi. Dân làng vẫn nhớ và trầm trồ khen Tuấn khi có lần Tuấn lặn bắn được 12 con cá niên, mỗi con khoảng 5 lạng (0,5kg). Kỳ tích của Tuấn trở thành kỷ lục chưa ai phá vỡ được.
Giấc mơ cá suối
Anh Trần Văn Trường (34 tuổi) một thợ săn cá Niên kể: Từ bao đời, người dân Tà Lang - Giàn Bí chỉ lặn bắn trưởng thành để làm thức ăn, đãi khách quý và không buôn bán. Thế nhưng mấy năm lại đây, khi giao thông đi lại thuận lợi, người miền xuôi lên đánh bắt và thu mua cá với giá cao để mang về cho các nhà hàng, quán ăn ở phố. Tùy theo kích thước, giá cá Niên được thu mua từ 250.000 đến gần 500.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận, nhiều người vào sâu trong rừng, lên tận thượng nguồn để đánh cá theo kiểu tận diệt. “Trước đây, mỗi lần ra suối xách về vài ba ký cá là bình thường. Nay có khi lặn cả buổi chỉ bắn được vài ba con mang về”, anh Trường cho biết.
Trước nguy cơ cá Niên ở Hòa Bắc và sông Cu Đê tuyệt chủng, cuối tháng 11/2021, UBND xã Hòa Bắc đã thành lập “Tổ bảo tồn và phát triển bền vững cá Niên” tại thôn Giàn Bí - Tà Lang. Đây là hoạt động nằm trong Dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Tổ có 30 thành viên, trong đó nòng cốt chính là những thợ săn cá điêu luyện trong vùng, những người am hiểu về sông suối, khe lạch có nhiều cá. Họ sẽ cùng với chính quyền địa phương tham gia các hoạt động kiểm tra, phát hiện các hành vi đánh bắt cá Niên bằng xung điện, thuốc nổ, lưới mắt nhỏ. Với quy chế hoạt động cụ thể, các thành viên và những thợ lặn săn cá sẽ trở thành những trở thủ đắc lực giúp chính quyền trong việc bảo tồn, phát triển loài cá suối này. Ngày ra mắt tổ, chính quyền và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) đã phát áo đồng phục, kính lặn, súng bắn cá thủ công cho các thành viên của tổ.
UBND xã Hòa Bắc lựa chọn 6 địa điểm sông, suối nước sâu, cắm biển cấm và giao nhiệm vụ cho 30 thành viên tổ tình nguyện trông nom, bảo vệ để cá Niên sinh sản và phát triển. Giấc mơ những đàn cá suối hồi sinh trên sông Cu Đê sẽ sớm dần hiện thực.
Ông Trương Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Người dân chỉ được phép lặn bắn cá trưởng thành, tuyệt đối không được bắt cá bé, cá đang độ tuổi sinh sản. “Với việc huy động người dân, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển bền vững, hi vọng một ngày không xa, cá Niên sẽ hồi sinh và trở thành sản phẩm đặc trưng cho địa phương để phát triển du lịch”, ông Nhân chia sẻ.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Trưởng nhóm chuyên gia dự án GEF Hòa Bắc là người gắn bó với nhiều dự án bảo tồn ở miền Trung. Tại các buổi nói chuyện, trao đổi, tập huấn với người dân, ông Trinh đều trực quan sinh động về giá trị của cá Niên nếu săn bắn đúng cách. Câu chuyện về bảo tồn loài cua đá của Cù Lao Chàm (Quảng Nam) một dự án mà ông và GEF đã thành công là một ví dụ điển hình để thuyết người dân. Từ nguy cơ tuyệt chủng, cua đá Cù Lao Chàm nay đã hồi sinh và trở thành đặc sản của người dân xã đảo. Người dân được hưởng lợi tự việc bảo tồn và phát triển bền vững.