“Biệt đội báo đen” lãng mạn và khốc liệt

TP - Sau Hamlet tưng bừng đi Singapore biểu diễn, NSND Anh Tú tiếp tục giữ phong độ với Biệt ađội báo đen công diễn tối 16/5, một trong số vở diễn dần lấy lại hình ảnh cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Xuân Bắc trong “Biệt đội Báo đen”. Ảnh: T. TOAN

Nhà văn Chu Lai viết Biệt đội báo đen, từng được lên sàn ở Nhà hát Chèo Quân đội, Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn kịch Quảng Ninh trước khi đến với Nhà hát kịch Việt Nam. NSND Anh Tú từng dựng vở này cho Quảng Ninh, nhưng có lẽ sự cộng hưởng với nghệ sỹ nhà hát anh cả đỏ lần này mới thực sự là bản dựng ưng ý.

Câu chuyện xoay quanh đội đặc nhiệm mang tên Báo đen, nhân vật chính là Sáu Thành. Người mà trong thời chiến nhiều lần chống lại mệnh lệnh cấp trên vì không hợp lý và gây tổn thất lớn cho anh em, đến khi hoà bình vẫn giữ nguyên khí chất người lính trận-chống lệnh tỉnh ủy giải phóng mặt bằng nông trường chiến binh để làm dự án khu công nghiệp.

Hấp dẫn, đó là từ có thể dành cho Biệt đội Báo đen. Ngay màn khai từ, đạo diễn chuẩn bị cho khán giả cảm xúc đan xen. Một bên là cuộc chiến khốc liệt, phần kia là sự lãng mạn và mối quan hệ cảm động giữa những người đồng đội vào sinh ra tử qua hồi tưởng của Sáu Thành lâm cảnh hoạn nạn. “Đây là cuộc đấu tranh của lẽ phải, chân chính, công lý. Tinh thần tranh đấu của lính trận đầy sục sôi trong kịch bản của nhà văn Chu Lai kéo dài từ thời chiến sang thời bình. Đó là sự hấp dẫn của kịch bản”, đạo diễn nói.

Đề tài người lính trận không thể thiếu vắng sự khốc liệt, trong Biệt đội Báo đen sự tàn khốc còn được kể ở những góc khuất gai góc hơn. Sáu Thành (Xuân Bắc) được xem là “người khó sống”, vì dám cãi thượng lệnh nếu thấy nó không hợp lý. Giành từng tấc đất đẩy lùi kẻ thù chỉ là một phần trong cuộc chiến đấu gian khổ, một phần khác là chống lại những kẻ cơ hội, “con sâu rừng” như Bảy Tân.

Tình yêu là mảng nhỏ trong Biệt đội Báo đen, chút lãng mạn ấy khiến một vở diễn về người lính bớt khô khan. Một Sáu Thành ngang tàng, không chịu thoả hiệp nhưng cũng có những phút bay bổng lãng mạn. Trích đoạn thơ Hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh gắn với tình cảm của Sáu Thành- Út Vân khá hợp lý, là quãng nghỉ giữa những đoạn căng thẳng.

Nhiều người nghe tên Xuân Bắc nghĩ ngay tới các vai hài, thực tế anh đóng chính kịch không ít. Xuân Bắc diễn Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ cứ gọi là tưng tửng, cười đau ruột. Xuân Bắc vào vai Sáu Thành cũng rất ngọt, ra chất một chiến binh quyết liệt, khi cần diễn nội tâm cũng không nao núng. Gương mặt trẻ Khuất Quỳnh Hoa vào vai Út Vân khá nhẹ nhõm.

Tác giả Chu Lai kể, gần 40 năm trước từng viết vở Bốn người còn lại, cũng Nhà hát kịch Việt Nam dựng. “Kịch bản giải thưởng A toàn quốc, nhưng nghe nói kịch chỉ sau 6 ngày không có người xem nữa. Văn gì thì văn, viết phải có người xem”, Chu Lai nói. Cuộc chiến lùi xa mấy chục năm, nhưng người viết và người dựng thổi vào vở diễn màu sắc xã hội hiện đại với những toan tính bon chen. Đối thoại giữa các nhân vật đậm chất lính trận, có sự bụi bặm, gai góc và không kém phần dí dỏm.

Chu Lai, người cả đời viết về người lính khẳng định, đề tài chiến tranh và người lính càng “nhô ra những vỉa tầng sâu xa”. Xét đến cùng cuộc đấu tranh dù thời chiến hay thời bình, quá vãng hay hiện tại đều là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác “như dòng sông không ngừng chảy, dù đôi lúc cái ác lên ngôi”. Nghe nói hội đồng chuyên môn nức nở khen Biệt đội Báo đen “tổng thể tốt, chỉn chu, có đầu tư”. Khán giả thì có thể hài lòng với một vở diễn thú vị, mang phong cách chính kịch của nhà hát. 

Cùng dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt Thầy và trò, kịch bản Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu. Chuyện xảy ra tại một trường đại học, nơi một số người thầy suy thoái đạo đức bên cạnh không ít sinh viên chạy theo lối sống không lành mạnh.