> Việt Nam, Philippines tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng
Nhìn lại diễn biến mới liên quan Biển Đông; đề xuất biện pháp duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác trong khu vực là những nội dung chính của Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực do Học viện Ngoại giao phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 4 và 5-11 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có trên 70 đại biểu quốc tế (từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy), hơn 50 đại biểu ngoại giao đoàn tại Hà Nội...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý, cho rằng, năm 2011 đánh dấu bước đột phá trong việc trao đổi thông tin về Biển Đông, thể hiện qua con số 15 hội thảo quốc tế về vùng biển này được tổ chức trong năm nay, gần gấp bốn lần con số của hai năm trước.
“Những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần quan trọng đưa Biển Đông vào radar điểm soát của cộng đồng quốc tế”, ông Quý nói.
Theo ông Quý, 2011 là năm tình hình Biển Đông cơ bản hòa bình, ổn định, nhưng cũng có lúc cộng đồng khu vực và quốc tế phải nín thở dõi theo từng diễn biến. Tuy nhiên, các nước liên quan tranh chấp trên Biển Đông đã và đang tìm được cách đối thoại phù hợp. Sau 9 năm bàn thảo, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc triển khai Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
“Bản chất của tranh chấp trên Biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra tại đây sẽ được phân tích, đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn”, ông Quý nói.
Biển Đông mang ý nghĩa toàn cầu
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nga, ASEAN... đều khẳng định tầm quan trọng của vấn đề biển Đông đối với môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Do tính chất phức tạp liên quan các khía cạnh luật pháp, kỹ thuật, chính trị nội bộ, chính trị quốc tế, chiến lược, kinh tế..., vấn đề Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực.
Nhiều đại biểu cho rằng, Biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh quốc tế là không thể chia cắt, lợi ích của các nước ở khu vực và trên thế giới đan xen lẫn nhau, sự phát triển của khu vực này ảnh hưởng sự phát triển của khu vực khác.
Do vậy, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống còn không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.
Theo các đại biểu, bên cạnh đó, các nước như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau, trong vấn đề biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang và sẽ dành ưu tiên ngày càng cao hơn cho các vấn đề như tự do, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.
Các nhà tổ chức hội thảo mong muốn sẽ hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu về Biển Đông để chia sẻ quan điểm, kết quả nghiên cứu về Biển Đông từ nhiều góc độ tiếp cận như khoa học pháp lý, chính trị, quan hệ quốc tế; các đánh giá, phân tích hệ lụy đối với hoà bình, an ninh khu vực trước những diễn biến mới đây ở Biển Đông...
Hội thảo cũng là dịp để các học giả đề xuất, kiến nghị việc xây dựng cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực chức năng và giải pháp đối với tranh chấp ở Biển Đông.