35 năm - một nỗi niềm day dứt
“Trước mắt chúng ta là vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Nơi đây, ngày 14/3/1988, các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, dòng thông báo của Đại tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi khi đang có mặt tại vùng biển linh thiêng nhất của Trường Sa.
Vượt cơn mưa đầu hạ trên đảo Sinh Tồn Đông, con tàu KN390 thẳng tiến đưa đoàn công tác đến khu vực cụm đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma vào lúc hoàng hôn. Những ánh nắng bắt đầu khuất dần, bốn bề chỉ còn tiếng sóng. Một dải áo đỏ sao vàng hiện lên giữa biển…
Với niềm tiếc thương vô hạn và tưởng nhớ công ơn của các chiến sỹ, đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại vùng biển Trường Sa.
Đại tá Phạm Khoa Nam thông báo trong buổi tưởng niệm hôm nay có sự xuất hiện đặc biệt của Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, con gái của chiến sỹ Lê Đình Thơ, một trong 64 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma.
Thiếu tá Thủy dáng người cao, có đôi mắt buồn, dường như ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Thủy kể: Bố cô sinh năm 1957, là người con xã Hoàng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông công tác tại Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân, với công việc đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển.
Trước đây, những hình ảnh về bố, Thủy chỉ nghe kể lại từ ông bà và những tấm hình giữ lại cũng như truyền thống lịch sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Bởi khi “bố ra Trường Sa, mẹ còn mang trong mình giọt máu”.
Sự kiện Gạc Ma là nỗi đau không thể nào quên.
“Sau khi nghe tin bố hy sinh vào ngày 14/3/1988, mẹ tôi quá buồn đau rồi đổ bệnh. Chỉ 9 tháng sau, mẹ cũng rời cõi tạm về với bố khi tôi mới chỉ một tuổi. Dù bố con chưa một lần gặp nhau, nhưng trong giấc mơ tôi luôn mường tượng về hình ảnh bố”, Thủy xúc động nói.
Gạt nước mắt rồi hướng về vùng biển Gạc Ma, Thủy nghẹn ngào: “Từ bé tôi đã có khao khát được ra thăm Trường Sa, được thắp nén hương tưởng nhớ sự hy sinh của bố cùng các liệt sĩ tại Gạc Ma. Khi nhận được quyết định ra thăm đảo, tôi vô cùng vui mừng và háo hức. Mong ước bấy lâu của tôi đã trở thành hiện thực. Khoảnh khắc đó, tôi thấy bố hiện về gần mình hơn”.
Trong không khí trang nghiêm của lễ tưởng niệm, những tiếng hát bài ca “Linh thiêng Việt Nam” được các nghệ sĩ của đoàn công tác cất lên đầy day dứt.
“Hỡi các anh những linh hồn không tuổi, hỡi các mẹ, các chị, các em, máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào...
Xin dâng hương những linh hồn bất tử, như tượng đài sừng sững giữa phong ba, để đời sau còn nghiêng mình cúi đầu, trước những chiến công làm rạng rỡ Việt Nam...
Về đây các anh ơi! Hãy về đây...”.
Tiến về phía trước, Thiếu tá Thủy cầm nén nhang, rưng rưng nước mắt: “Trong sự xúc động và nỗi nhớ bố vô bờ, con thầm cầu nguyện kính mong hương linh bố cùng đồng đội yên nghỉ ngàn thu, luôn phù hộ độ trì cho các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương sức khỏe, vững vàng tay súng, giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương”, Thủy bày tỏ.
Chứng kiến hình ảnh người con gái liệt sĩ Gạc Ma cúi mình thả xuống biển bông hoa cúc và hạc giấy, rồi nghiêm trang bồng chiếc mũ hải quân trên tay, nhiều người mắt chợt ngấn nước.
Từ hôm làm lễ tại Gạc Ma, Thiếu tá Thủy kể có con bướm trên tàu xuất hiện lởn vởn trong phòng của chị. Trong chuyến đi Trường Sa lần này, chị lấy một ít cát và đá về để bàn thờ của bố, bởi trong đó có máu thịt của bố như để thỏa nỗi nhớ lâu nay.
Bố ơi… con đã là đồng đội
Lớn lên trong trong hoàn cảnh thiếu vòng hơi ấm, tình thương của bố và mẹ từ lúc lọt lòng, Thủy luôn tự nhủ với bản thân cần phải cố gắng, quyết tâm hơn so với người bình thường để không hổ thẹn với những gì bố cô và các đồng đội đã hi sinh, cống hiến.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chuyên ngành trắc địa bản đồ, chị được Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân bố trí về tại Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, nơi bố chị từng công tác.
“Thời khắc đó, tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi chạy về nhà thắp nén nhang cho bố và mẹ rồi kính cẩn chắp tay trước bàn thờ báo tin: Bố ơi từ nay con đã trở thành đồng đội của bố rồi…”.
Biến nỗi đau thành sức mạnh, trong thời gian công tác, Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy không ngừng trau dồi kỹ năng và chuyên môn để cống hiến cho đơn vị. Cô hiện là Tổ trưởng Tổ thiết kế biên tập, Phân đội 10, Đội 4, Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển.
Năm 2021, cô cùng đơn vị tham gia hoàn thành xuất sắc dự án thiết kế hệ thống sản xuất cơ sở dữ liệu nền địa lý và thành lập bản đồ địa hình đáy biển, tỉ lệ 1/100.000, được 196 mảnh. Năm 2022, cô vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Thiếu tá Thủy đã lập gia đình và có 2 con, chồng cô là một chiến sỹ công tác trong ngành. Thủy kể: “Khi còn nhỏ, các cháu thường hay hỏi ông ngoại đâu rồi mẹ? Tôi kể các cháu nghe về ông qua những bức ảnh, những gì bố tôi đã làm để các cháu hiểu thêm. Cháu bảo mẹ ơi, sau này con thích làm bộ đội, vì bộ đội là người tốt. Những câu nói tuy rất hồn nhiên của các cháu nhưng giúp tôi thấy vui và có động lực vươn lên, viết tiếp giấc mơ của bố”.
Trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm của lễ tưởng niệm, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang- Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Hải quân bồi hồi: “Trong cuộc chiến đầy cam go đó đã ngời sáng bao tấm gương dũng cảm quên mình của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Dẫu biết có thể sẽ hy sinh, song các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kết thành một vòng tròn, bám trụ bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Các anh đã hóa thành vòng tròn bất tử nơi Trường Sa thiêng liêng”.
Thời khắc đoàn công tác làm lễ, trên bầu trời Cô Lin, Gạc Ma…bỗng xuất hiện nhiều ngôi sao sáng lấp lánh một vùng. Nhiều đại biểu đã cầm những con hạc giấy chếch về hướng bầu trời, ghi lại khoảnh khắc. Có lẽ những lời kinh cầu của những người con đất liền đang chạm đến các anh linh liệt sỹ Trường Sa vẫn còn luẩn khuất đâu đây…
Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh” nhận được sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
(Còn nữa)