Bí thư Thăng: “Liên kết vùng nhưng mạnh ai nấy làm”

TPO - Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, tốc độ tăng trưởng gấp 1,5 lần bình quân cả nước nhưng nguồn lực phân tán, liên kết vùng hạn chế, mạnh ai nấy làm, chưa có cơ chế điều hành của cả vùng.

Sáng nay, 18/8, TPHCM tổ chức “hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Tây Ninh…)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hội đủ các điều kiện, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Giai đoạn 2011 -2014, cả vùng tăng trưởng ổn định, cao hơn mức bình quân cả nước 1,5 lần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phong chỉ ra phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Các tỉnh đều đánh giá tầm quan trọng của liên kết vùng nhưng đầu tư chưa tương xứng, nguyên nhân chủ quan là do chưa có sự phân công cụ thể giữa các địa phương, chưa có cơ chế chính sách.   

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, chính phủ đã phê duyệt hơn 10 quy hoạch trong vùng, đơn cử như quy hoạch 559, Quyết định 252 của Thủ tướng chính phủ… Đầu tư hạ tầng của TPHCM có tính liên kết vùng, như trục Đông- Tây, Bắc- Nam, đường vành đai 2, 3, 4, các tuyến metro, …

“Về đầu tư các tuyến kết nối, TPHCM sẽ đảm nhận chi phí xây dựng, các địa phương chi phí giải phóng mặt bằng. Cầu qua sông, TPHCM chịu chi phí xây dựng các hạng mục chính, các địa phương lo giải phóng mặt bằng, các hạng mục phụ”, ông Cường đề xuất.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: Liên kết vùng hiện nay còn hạn chế, chưa phát huy thế mạnh. Phát triển TPHCM phải đặt trong tổng thể cả vùng. Động lực lớn nhất là các vùng kinh tế trọng điểm nhưng hệ thống hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển. Nguồn lực phân tán, chưa có cơ chế điều hành, dẫn đến các giải pháp chưa phù hợp, giải quyết tản mạn.

“Chúng ta bắt tay thế thôi chứ về anh nào lo anh nấy. Nói liên kết vùng nhưng quy hoạch thiếu gắn kết, dàn trải”, ông Thăng nhìn nhận.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh kể: “Hôm qua từ Tây Ninh về TPHCM, tôi ngồi xe mất 3 tiếng, giao thông như vậy rất khó phát triển cho cả vùng

“Những địa phương quá khó khăn, TPHCM nên hỗ trợ chi phí đầu tư”, ông Quang đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình cho rằng liên kết vùng vì lợi ích tỉnh, lợi ích vùng và lợi ích quốc gia. Từ trước đến nay, vùng vẫn có Hội đồng vùng, các địa phương luân phiên là chủ tịch.

“Tôi lo lắng với phân bổ vùng hiện nay. TPHCM là đô thị đặc biệt, nếu làm “chủ xị” thì tốt hơn. Các tỉnh thế và lực không đủ, nói không ai nghe. Không nên luân phiên nữa mà giao hẳn cho TPHCM”, ông Trình nói.

Theo ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, lưu lượng giao thông qua Bình Dương bắt đầu quá tải. Các tỉnh xuất nhập hàng ở TPHCM, Đồng Nai, BR-VT gây ùn tắc tại Ngã ba Tân Vạn, cần phải làm đường vành đai 3, vành đai 4 mới giải quyết cơ bản.

“Tôi đi từ cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức) đến đây họp mất 45 phút. Cầu Ông Dầu ngày nào cũng kẹt, buổi sáng có khi mất 20-30 phút mới qua được cầu. Đường thuỷ lâu nay chưa phát huy được. Nếu luồng lạch sâu 7 m sẽ có hơn 50% hàng hoá về bình dương đi bằng đường sông. Sông Sài Gòn chỉ cần tháo dỡ cầu Bình Lợi, sông Đồng Nai vướng bãi đá giữa sông”, ông Nam nói.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng nói: Luân phiên làm chủ tịch hội đồng, không khéo gặp nhau vui vẻ là chính chứ không hiệu quả. cần tập trung triển khai ngay các dự án giao thông quan trọng của vùng, không phục vụ riêng cho một địa phương.

“Không nên phân biệt TPHCM làm một nửa, tỉnh kia làm một nửa. Địa phương nào có điều kiện thì lo nhiều hơn. Cố gắng để mỗi năm có kết quả cụ thể là những công trình, dự án chứ không phải là số liệu trên báo cáo, nghị quyết”, ông Thăng nhấn mạnh.