Bí thư Thăng: Ký hợp tác không phải để 'thăm hỏi, uống rượu'

TPO - Theo Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, TPHCM và tỉnh Lâm Đồng ký kết hợp tác là thực chất, cùng nhau tập trung tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng, thế mạnh vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương và cả nước chứ không phải ký để chơi, để đến thăm hỏi, uống rượu. 
Toàn cảnh Hội nghị

Sáng nay, 15/7, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010 -2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016 -2020 giữa TPHCM và tỉnh Lâm Đồng (ảnh).

Tham gia hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban ngành hai địa phương. Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Bí thư tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt chủ trì hội nghị.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Lâm Đồng, mỗi năm địa phương này sản xuất khoảng 81.000 tấn rau an toàn với tổng diện tích 1.600 ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Tổng diện tích cải bắp sản xuất tại Lâm Đồng là 6.000 ha. Các địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin nhằm cân đối nguồn cung, tránh hiện tượng sản xuất tràn lan làm cung vượt cầu khiến nông sản rớt giá, gây thiệt hại cho nông dân.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề xuất những hàng hoá, sản phẩm nào sản xuất ở Lâm Đồng nếu có khả năng sơ chế được thì cần tổ chức sơ chế tại Lâm Đồng trước khi đưa về TPHCM tiêu thụ để giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tránh tình trạng đưa rau về TPHCM phân loại, làm phát sinh nhiều rác tại TPHCM. Ngoài ra, sắp tới khoai tây Đà Lạt sẽ có bao bì riêng để phân biệt với khoai tây Trung Quốc.     

Tuy nhiên, ông Võ Văn Hiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cảnh báo có tình trạng nhập nhèm, lợi dụng thương hiệu rau Đà Lạt tại TPHCM để đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Hiệp cho biết vụ khoai tây Trung Quốc “đột lốt” khoai Tây Đà Lạt chủ yếu là do chính một số doanh nghiệp tại TPHCM đặt hàng để lừa dối người tiêu dùng trục lợi.

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết QL20 nối Dầu Giây – Đà Lạt đã hoàn thành 3/4 khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành cuối 2016. Ngoài ra, chậm nhất là đến đầu 2017, Bộ GTVT sẽ khởi công đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, trong đó sẽ làm trước đoạn Dầu Giây - Tân Phú.

Tại hội nghị, lãnh đạo hai địa phương đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giai đoạn 2016 -2020. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: Ký kết ở đây không phải là ký để chơi, để đến thăm hỏi, uống rượu. Ký là dài hạn và tập trung vào làm ngay. 

”Tôi đồng tình là vừa qua kết quả hợp tác chưa tương xứng nhưng phải xác định cụ thể tiềm năng thế mạnh của hai địa phương là gì, cần tập trung vào làm những công việc gì cụ thể để tránh tình trạng sơ kết, tổng kết 5 năm lại tiếp tục điệp khúc “Chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của hai địa phương.”, Bí thư thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Ông Thăng đánh giá nhiều ý tưởng, đề xuất tại hội nghị rất hay như xây chợ đầu mối trên Lâm Đồng, phân loại, đóng gói rồi đưa về TPHCM.

Theo ông Thăng, muốn kết quả hợp tác giữa hai địa phương được nâng lên thì hạ tầng giao thông phải được cải thiện. Hiện nay, sân bay Liên Khương mỗi ngày đón vài chuyến bay đến TPHCM là không đáp ứng được yêu cầu.

“Hiện nay ngồi xe từ TPHCM đi Đà Lạt mất 5-6 tiếng, làm sao giảm xuống còn 4 tiếng. Sao cho buổi sáng bà con thu hoạch rau, phân loại ở Đà Lạt, buổi trưa người dân TPHCM đã có rau để ăn thì mới hiệu quả… Hiện nay, cái gì khúc mắc, khó khăn anh Tư Phong (Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM - PV) cứ giải quyết ngay rồi báo cáo sau. Chờ xin ý kiến mới giải quyết nhiều lúc chậm, lỡ mất cơ hội” – ông Thăng nhấn mạnh.