Bí thư Kiên Giang mời chuyên gia thẩm định nước mắm Phú Quốc

Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ mời chuyên gia, nhà khoa học về nghiên cứu sản phẩm nước mắm Phú Quốc để chứng minh sản phẩm không có chất độc hại.

Trước thông tin 101/150 mẫu nước mắm có chứa hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng kinh doanh của các doanh nghiệp truyền thống, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, cho hay đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành như Hội Khoa học Kỹ thuật, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.

"Cơ quan chức năng cùng hiệp hội nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này. Đồng thời cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc", ông Nghị khẳng định bên hành lang Quốc hội ngày 21/10.

Bí thư tỉnh Kiên Giang cũng cho hay tới đây, Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học để thẩm định, chứng minh sản phẩm truyền thống của mình không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố.

Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch HĐND Khánh Hòa (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khánh Hòa), cho hay Nha Trang có rất nhiều thương hiệu nước mắm lâu đời được khẳng định, đặc biệt là nước mắm truyền thống. Chính vì vậy, việc công bố thông tin không rõ ràng về asen trong nước mắm sẽ khiến nước mắm làng nghề gặp nhiều khó khăn. 

"Cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc ngay để thẩm định và xem lại toàn bộ mọi công bố đó. Thông tin phải chuẩn, phải có trách nhiệm với người dân. Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải vào cuộc sự việc này", ông Thân nhấn mạnh.

Một số siêu thị được cho là đã dừng bán nước mắm truyền thống. Ảnh: NDH

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa cũng khẳng định bất kể cơ quan nào, hiệp hội, tổ chức hay cá nhân nào công bố thông tin đó sẽ phải có trách nhiệm về việc rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là phải có thẩm quyền.

Trước những nghi vấn về quyền và trách nhiệm của Vinastas khi thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM), cho hay sau khi khảo sát, Hội phải gửi thông tin đến các cơ quan chức năng. Và sau đó, nếu có phát ngôn thì cần thận trọng, phản ánh đúng sự thật. 

Theo bà Lan, khi cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ thì quá trình lấy mẫu trên thị trường sẽ lấy mẫu khách quan. Khi mẫu không đạt chất lượng thì phải lấy thêm một số mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học. Lúc đó mới có quyền kết luận, toàn bộ số mẫu đó, sản phẩm của đơn vị đó là như thế nào. Còn nếu chỉ trên một vài sản phẩm của đơn vị sản xuất thì chỉ có tác dụng trên một số mẫu đó thôi.

"Trong trường hợp công bố nước mắm chứa asen vượt ngưỡng như trên là quá vội vàng", đại biểu Lan khẳng định.

Trả lời câu hỏi là người tiêu dùng, bà chọn nước mắm nào, đại biểu Phong Lan cho rằng cá nhân bà ủng hộ nước mắm truyền thống hơn là nước mắm công nghiệp. Dù giá nước mắm truyền thống được làm thủ công không thể cạnh tranh so với các sản phẩm công nghiệp nhưng chất lượng không phải là vấn đề đáng lo ngại. "Về chất lượng thì không lẽ ông bà ta từ xưa đến giờ sống bằng gì?", bà Lan đặt dấu hỏi.

Theo bà, những cơ sở sản xuất nước mắm thủ công có đảm bảo đúng quy trình truyền thống, chất lượng không thì đó là ý thức và phải kiểm soát của cơ quan quản lý. Mọi kết luận, nhất là khi chúng ta sử dụng phương tiện hiện đại như bây giờ để xét đến một sản phẩm truyền thống thì nếu như cứ máy móc áp dụng tất cả tiêu chuẩn của hiện đại vào để đánh giá là khập khiễng.

Bà cũng cho rằng trong trường hợp này không loại trừ khả năng có đối thủ cạnh tranh, tác động.

Người tiêu dùng nên làm gì?      

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, việc người dùng lo ngại cho sức khoẻ của mình, gia đình và cộng đồng là hết sức chính đáng nhưng cần phải tỉnh táo. Bản thân nước nắm truyền thống cũng đã có quy chuẩn hóa. Trên nhãn hiệu cũng nêu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nguyên liệu, thành phần.

Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình, nói không với thực phẩm bẩn và nói không bằng cách hãy sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và khi thấy cái gì quá rẻ thì cần đặt dấu hỏi.

Đại biểu đến từ TP.HCM cũng cho rằng đây là cú hích để cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm có động thái quyết liệt, có câu trả lời chính thức để cho người dân an tâm, biết sử dụng sản phẩm nào an toàn.

"Nếu giờ không ăn nước mắm thì ăn gì. Tôi khẳng định, tôi chả sợ gì cả, tôi vẫn ăn nước mắm truyền thống như thường. Thạch tín ư! Không đâu. Chỉ có điều hãy chờ kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước thì mới chính xác", bà Phong Lan khẳng định.

Theo Theo Zing