Đà Nẵng ủng hộ Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, cử tri Đà Nẵng rất quan tâm về đề xuất thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Tinh thần Đà Nẵng rất ủng hộ việc Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy trong lịch sử Việt Nam thì lần đầu tiên có 2 thành phố trực thuộc Trung ương nằm liền kề nhau.
Theo ông Quảng việc này sẽ có sự tác động, tương tác lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của khu vực duyên hải miền Trung. Đặc biệt, trong đề án đã giải quyết được vấn đề tồn tại của hai địa phương là việc phân định địa giới hành chính liên quan đến núi Hải Vân và hòn Sơn Chà con (theo tên gọi của Đà Nẵng).
Theo đó, Huế cũng thống nhất với quan điểm của Chính phủ là giao cho Đà Nẵng quản lý, sử dụng phía Nam núi Hải Vân theo đường phân thủy khoảng 700ha và hòn Sơn Chà con khoảng 150ha để phục vụ cho quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, xã hội. Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm đã được giải quyết nhiều lần nhưng đến nay mới được phân định rõ ràng.
Liên quan đến địa giới hành chính giữa TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về việc này.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, ý kiến của các đại biểu, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng theo hướng: Tỉnh Thừa Thiên-Huế quản lý khu vực Bắc núi Hải Vân, TP Đà Nẵng quản lý hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân.
Chờ Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc
Cũng tại chương trình tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, để thực hiện Kết luận số 17 ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, các bản án ở một số tỉnh/thành phố, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan như: Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Hà Nội, Long An xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra, các bản án tại TP Đà Nẵng, nhiều nội dung thuộc thẩm quyền phải có nghị quyết đặc thù của Quốc hội mới giải quyết được.... Trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến TP. Đà Nẵng, ví dụ như việc xử lý sân vận động Chi Lăng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cần nghị quyết của Quốc hội để giải quyết.
“Có nhiều nội dung vượt thẩm quyền của thành phố, thậm chí bây giờ đưa ra Quốc hội để nghị quyết đặc thù. Điều này cho thấy quá trình giải quyết những tồn tại, vướng mắc trước đây không đơn giản, không thể một sớm một chiều", ông Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: "Đây là quá trình nỗ lực, kiên trì của thành phố suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, báo cáo với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là xin chủ trương của Bộ chính trị và Bộ chính trị cho phép để báo cáo ra Quốc hội”.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đà Nẵng bày tỏ lo lắng khi thời gian qua giá vàng tăng rất nhanh sẽ dẫn đến tình trạng leo thang giá hàng hóa thiết yếu.
Cử tri Trần Quang Sâm (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nêu thực trạng, hiện tại giá vàng tăng mạnh và chuyên gia dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, người dân rất hoang mang vì giá vàng tăng sẽ gây ra bất ổn và những hệ lụy cho nền kinh tế. Do đó, cử tri kiến nghị Nhà nước cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng để không ảnh hưởng đến đời sống người lao động, do giá cả hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng sẽ tăng theo giá vàng.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này và cũng đã có những biện pháp cụ thể nên thời gian vừa qua tình trạng tăng giá vàng cũng được kiểm soát.