Bí quyết tìm việc của du học sinh Việt tại Hàn Quốc
Tham gia dự án, làm thêm ở phòng lab, học việc trước khi chính thức đi làm... là cách tìm việc của nhiều du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.
Cuối tháng 12-2012, hơn 30 du học sinh Việt đã có chuyến trải nghiệm công việc do Tập đoàn Lotte tổ chức tại Seoul và Osan (Hàn Quốc).
Vừa tham quan, vừa trải nghiệm
Hết việc chứ không hết giờ!
Nguyễn Hà Mi, nhân viên Công ty bất động sản Lotte, nói bài học đầu tiên và xuyên suốt mà cô học được là “hết việc chứ không hết giờ”. “Thời tiết ở đây vào mùa đông rất khắc nghiệt, thường xuyên có độ âm, nhưng nhân viên công sở rất chăm đi học thêm. Giờ làm việc chính thức là 9g thì họ đi học thêm từ 7g sáng. Từ tiếng Anh, các khóa học nâng cao nghiệp vụ hay kỹ năng cho công việc họ đều cố gắng hoàn thiện”, Mi nói.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình hai ngày một đêm là trung tâm đào tạo nhân viên của Lotteria. Tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên khi một giảng viên tại đây hỏi nhóm sinh viên: “Bạn nghĩ thế nào là rửa tay đúng cách? Cho xà bông vào tay, thấm một ít nước, thoa thật đều rồi rửa nước lại cho sạch”. Khi mọi người gật đầu đồng tình, anh nói tiếp: “Thật ra chưa sạch đâu vì vòi nước và tay cầm vẫn chưa được khử trùng trước khi bạn chạm tay vào để lấy nước”. Tất cả sinh viên tham gia hành trình ồ lên. Rửa tay đúng cách trở thành bài học đầu tiên của nhiều bạn tham gia chương trình và cũng là của nhân viên Lotteria trước khi bắt đầu học làm khoai tây chiên hay bánh hamburger.
Tại Trung tâm đào tạo nhân lực Osan - cách thủ đô Seoul gần một giờ đi ôtô - nơi chuyên đào tạo nhân viên mới cho các công ty - được ví như một doanh trại thu nhỏ, ông Kim Yoon Ho, giám đốc trung tâm, mở đầu bài nói chuyện khiến không ít bạn vừa ngờ vực vừa thấp thỏm lo: “Chúng tôi không quan tâm các bạn tốt nghiệp ĐH hay đã là thạc sĩ. Công việc đầu tiên các bạn được học không phải là làm sao cho tốt, hoạt động đội nhóm như thế nào, mà là cách hiểu văn hóa công ty, sống hòa nhập với đồng nghiệp và cách giao tiếp hiệu quả”. Ông nói nếu đào tạo nhân viên để làm cho các trung tâm thương mại, ngay cả ở vị trí quản lý, thì việc đầu tiên phải học và thực hành là giúp khách chọn hàng hóa, phụ đẩy xe, khuân hàng trong ít nhất sáu tháng rồi mới làm công việc chuyên môn thật sự.
Vũ Phượng Thư, nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành môi trường tại ĐH Sejong, cho biết tháng nào cũng có những chương trình vừa tham quan, vừa trải nghiệm môi trường làm việc do các công ty lớn tại Hàn Quốc tổ chức như Samsung, Lotte, SK... nhằm tìm nhân tài cho mình. Toàn bộ chi phí từ đi lại, ăn ở đều do các đơn vị tổ chức tài trợ, sinh viên những trường có tiếng còn được tặng thêm tiền bồi dưỡng vì đã tham gia chương trình. Thư nói đây cũng là cách tìm việc của nhiều du học sinh Việt Nam, đặc biệt là từ chương trình do các tập đoàn kinh tế có đầu tư tại Việt Nam tổ chức. Đa số các bạn đều muốn tìm cơ hội làm việc tại Hàn vài năm rồi trở về nước.
Đi làm công ty từ khi còn đi học
Tại Seoul, một sinh viên mới tốt nghiệp ĐH vào làm cho các tập đoàn có thể nhận được mức lương 2.000-4.000 USD/tháng tùy thuộc ngành nghề và năng lực thực tế sau giai đoạn thử việc. Tuy nhiên, để có một công việc lương cao cùng với cơ hội thăng tiến tại những công ty lớn là một thử thách thật sự với người mới vào làm.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết hiện nay có khoảng 5.000 du học sinh Việt tại Hàn và hơn 80% trong số này đi làm thêm. “Công việc làm thêm khá đa dạng, như làm trong các công ty sản xuất sản phẩm, chạy việc trong các văn phòng, làm thông dịch viên. Các bạn được tiếp xúc với công việc từ khi còn trên ghế giảng đường, được làm việc trong môi trường cường độ cao, phong thái chuyên nghiệp nên sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như dễ dàng hòa nhập môi trường làm việc tại đây sau khi tốt nghiệp” - anh nói.
Đang học thạc sĩ giáo dục tiếng Hàn tại Trường ĐH Kyunghee, Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết một năm cô chỉ học hai học kỳ trong sáu tháng. Với thời gian trống còn lại, cũng như phần đông sinh viên khác Quỳnh Anh đi làm thêm. Sẵn giỏi tiếng Hàn, Quỳnh Anh tìm đến công việc thông dịch cho các đoàn Việt Nam sang công tác tại Seoul, cũng như các công ty tại đây khi tiếp khách Việt. Tiếng Việt cũng đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc vì nhiều tập đoàn lớn của quốc gia này như Lotte, Samsung... đầu tư tại Việt Nam nên nhân viên của các công ty này cũng muốn học tiếng Việt để giao tiếp với đồng nghiệp. Nếu làm thêm tại các quán ăn, karaoke có mức lương khoảng 4.000 won/giờ (tương đương 80.000đ) thì việc dạy tiếng Việt cho người Hàn được trả cao hơn: 25.000 won/giờ (tương đương 500.000đ). Những sinh viên giỏi tiếng Hàn và có mối tại các công ty lớn có thể nhận phiên dịch theo ngày với giá trên dưới 200.000 won/ngày.
Vừa tốt nghiệp ĐH Sunkyunkwan nhưng Nguyễn Ngọc Trung đã có hơn một năm làm việc tại phòng lab của trường cùng giáo sư hướng dẫn của mình với đề tài nghiên cứu vật liệu dùng trong bo mạch các thiết bị điện tử của Hãng Samsung. Trung nói: “Ở Hàn Quốc thường bắt đầu một ngày làm việc lúc 9g sáng nhưng kết thúc rất khuya, với tôi và nhiều bạn chuyện ở phòng lab qua đêm là bình thường. Những giáo sư ở đây làm việc lúc nào cũng tất bật, mình phải chạy theo như vậy để đạt được hiệu quả công việc cao nhất cũng như đúng tiến độ”. Sinh viên làm ở các phòng lab ngoài việc được tài trợ học phí còn được trả lương 700.000-1 triệu won/tháng tùy thuộc dự án tham gia.
Theo Phi Long
Tuổi Trẻ