“Mỹ lại tham gia vào cuộc chơi, và Mỹ sẽ chiến thắng”, Tổng thống Mỹ Donald khẳng định những ưu tiên như vậy.
Vậy điều này phản ánh thế nào về cán cân lực lượng toàn cầu và Nga sẽ bằng cách nào có thể đáp trả lại các thách thức mới? Hãng RIA Novosti phân tích.
Mỹ xem Nga là “nước xét lại” đang nỗ lực lấy lại vị thế siêu cường của mình và thiết lập các khu vực ảnh hưởng gần biên giới. Chính quyền Trump cho rằng, những nỗ lực để đưa Moscow trở thành một đối tác trung thực bằng biện pháp hòa bình đã tỏ ra không hiệu quả.
“Một quân đội hùng mạnh sẽ đảm bảo cho các nhà ngoại giao của chúng ta có khả năng hoạt động trên thế mạnh. Và chúng ta cùng với các đồng minh có thể duy trì, nếu cần thiết, có thể đạt được vị trí chiếm ưu thế hơn so với các mối đe dọa chống lại lợi ích nước Mỹ” – Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ khẳng định.
Những cuộc chiến tranh trung gian
“Tôi tin rằng, đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ sẽ không xảy ra trong tương lai gần, - ôngIvan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược nói.
Người Mỹ đang nghiên cứu tình hình và hiểu rằng, cuộc đối đầu trực tiếp là phản tác dụng. Còn liên quan tới các cuộc xung đột trung gian, còn gọi là chiến tranh ủy nhiệm, Mỹ tất nhiên sẽ tiến hành để hạn chế ảnh hưởng chính trị và quân sự của Moscow, cũng như để kích động chúng ta tới một hành động thiếu cân nhắc, trong đó có việc tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Điều này có thể diễn ra, ví dụ tại Syria hay Ukraine, nơi mà Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương”.
Hơn nữa, các kế hoạch của Washington hiện không được giới hạn chỉ bởi các tuyên bố. Ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2018 là lớn nhất trong lịch sử nước này. Số tiền dành cho các nhu cầu quốc phòng sẽ là 700 tỷ USD, cao hơn 15 lần so với ngân sách quốc phòng của Nga. Sự bất cân bằng đó không có gì bất ngờ, và các chuyên gia không có xu hướng kịch tính hóa tình hình.
“Những con số này thực tế chẳng nói lên điều gì, - chuyên gia Alexander Khramchikhin, Phó giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự nhận định. Nga và Mỹ cùng đồng minh có cơ cấu ngân sách quốc phòng hoàn toàn khác nhau. Trong đó, ngân sách quốc phòng của Anh còn cao hơn Nga, nhưng xét về tiềm năng quân sự thì chúng ta có lẽ mạnh hơn”.
Khoản tiền chủ yếu trong ngân sách quốc phòng cao kỷ lục của Mỹ là việc mua sắm và chế tạo các mẫu vũ khí mới. Đó là những dự án quân sự đầy tham vọng và đắt đỏ như: Chương trình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35, tiếp tục bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, xây dựng các hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford mới nhất, chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới bố trí trên mặt đất.
Các dấu hiệu về một cuộc chạy đua vũ trang mới đang được cảm nhận rõ ràng hơn: “Cuộc chạy đua giành lại quyền lực” – Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đề cập. Theo các chuyên gia, Nga phải đáp trả được thách thức này bằng cách xem xét lại các sai lầm của mình trong quá khứ.
Đáp trả phi đối xứng
“Liên Xô đã phải dùng hết các nguồn lực của mình để chạy đua vũ trang, và kinh nghiệm này đối với chúng ta là bi kịch”, ông Ivan Konovalov cho biết, đồng thời cũng chỉ ra rằng: “Tôi tin rằng lãnh đạo của chúng ta sẽ không chi tiêu quân sự vượt ra ngoài khuôn khổ đã xác định. Chúng ta sẽ đáp trả một cách phi đối xứng bằng các vũ khí chất lượng cao và công nghệ cao.
Ví dụ, chúng ta đang vượt xa Mỹ về các phương tiện tác chiến điện tử và đạt được sự ngang bằng so với Mỹ đối với các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Và tất nhiên, không nên quên những người sẽ sử dụng các vũ khí này. Trong những năm gần đây, quân đội của chúng tại đã có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất – tôi tin rằng, nó chỉ có phát triển”.
Theo các chuyên gia, trong phát triển Quân đội, Nga phải tính tới không chỉ các thất bại của mình, mà cả các sai lầm của các đối tác bên kia đại dương. Trong 25 năm qua, Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD cho những dự án quân sự thiếu hiệu quả và bế tắc.
Một trong số đó là dự án máy bay có lắp đặt thiết bị laser Boeing YAL-1. Theo những đánh giá khác nhau, dự án này có giá trị từ 7 tới 13 tỷ USD. Không quân Mỹ đã dự kiến sẽ nhận được 5 máy bay được cho là có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo ngay từ khi bắt đầu phóng ở độ cao thấp. Tuy nhiên vào năm 2011, sau hàng loạt thử nghiệm thì chương trình này đã bị dừng lại.
Thực tế dự án siêu hàng không mẫu hạm Zumwalt là thất bại, bởi hơn 30 tàu này dự kiến sẽ được đóng, nhưng Hải quân Mỹ cuối cùng chỉ mua có 3 chiếc. Trị giá của chương trình này là 23 tỷ USD.
“Tất nhiên, chúng ta cần học những sai lầm của người khác, - chuyên gia Khramchikhin khẳng định. Mặc dù hiện nay chúng ta đang cố lặp lại một số giải pháp viển vông của người Mỹ. Tôi không tin rằng, ví dụ, máy bay thế hệ thứ 5 sẽ không là một dự án bế tắc. Hoặc khi tính tới xe bọc thép MRAP của Mỹ, Mỹ đã nhanh chóng bỏ xa chúng ta, chúng ta bắt đầu tích cực chạy theo họ. Chính vì vậy, chúng ta cần thoát khỏi sự nhún nhường trước phương Tây”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngân sách quốc phòng Mỹ gia tăng sẽ ngay lập tức dẫn đến sự mở rộng các hoạt động quân sự tương ứng của Lầu Năm góc. Một trong những vấn đề chủ yếu đó chính là tính hiệu quả không cao trong việc sử dụng tiền thuế của nhân dân dành cho quốc phòng.
“Tại Mỹ và Anh, các đơn đặt hàng quốc phòng thường được quan tâm vận động hành lang hàng đầu”, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov cho biết: “Nhờ những người vận động hành lang thì giá các đơn đặt hàng cũng tăng lên. Hiện Mỹ có ngân sách quốc phòng lớn gấp 15 lần của Nga và gấp vài lần của Trung Quốc. Hơn nữa, nếu quan sát, kết quả là Lầu Năm góc sẽ nhận được những gì từ kỹ thuật quân sự, đó chính là những chỉ số không khá hơn mấy so với Nga và Trung Quốc”.
Một trò đùa độc ác đối với Mỹ đó chính là sự cuốn hút không thể cưỡng lại được để đạt được ưu thế vượt trội hoàn toàn về kỹ thuật so với quân đội của các đối thủ địa chính trị chủ yếu. Trong biên chế của họ thường có các hệ thống tiên tiến nhưng đây chỉ là những giải pháp kỹ thuật chưa được kiểm định.
Ngoài ngân sách vượt ra ngoài giới hạn, họ còn có hy vọng đầy ngờ vực rằng: Tất cả điều này sẽ dẫn tới sự đổ vỡ từng phần, mà hậu quả là việc suy giảm khả năng chiến đấu. Kinh nghiệm tiêu cực này, theo các chuyên gia, cũng cần được Moscow tính tới.