Bí ẩn tác phẩm nghệ thuật từ bộ xương gấu 130.000 năm tuổi

TPO - Các nhà nghiên cứu cho biết, một bộ xương gấu gần 130.000 năm tuổi đã được cố tình đánh dấu bằng những vết cắt và có thể là một trong những tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất ở Á-Âu do người Neanderthal chế tác.

Những góc nhìn khác nhau về xương gấu dài khoảng 10,6 cm có vết cắt do người Neanderthal tạo ra trên đó. (Ảnh: T. Gąsior, Płonka và cộng sự)

Xương gần như hình trụ, dài khoảng 10,6 cm, được trang trí bằng 17 vết cắt song song cách đều nhau. Một nghiên cứu mới cho thấy một người thuận tay phải có thể đã tạo ra tác phẩm này trong một lần ngồi.

Xương chạm khắc là tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng lâu đời nhất được biết đến bởi người Neanderthal ở châu Âu phía bắc dãy núi Carpathian. Nó giúp các nhà khoa học có cái nhìn về hành vi, nhận thức và văn hóa của những người anh em họ đã chết từ lâu của con người hiện đại, sống ở lục địa Á-Âu từ khoảng 400.000 đến 40.000 năm trước.

Tomasz Płonka, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Wrocław, nói với Live Science: “Đây là một trong những đồ vật Neanderthal khá hiếm có tính chất biểu tượng. Những vết cắt này không có lý do thực dụng." Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy xương dường như không phải là một công cụ hay vật thể có tầm quan trọng trong các nghi lễ.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xương bằng kính hiển vi 3D và chụp cắt lớp vi tính (CT), cho phép họ tạo ra mô hình kỹ thuật số của xương. Dựa trên mô hình này, các nhà nghiên cứu cho rằng các dấu hiệu cho thấy một số đặc điểm có chủ ý. Chẳng hạn, các dấu vết lặp đi lặp lại, có nghĩa là các vết cắt được lặp lại theo kiểu tương tự và các vết cắt được đặt một cách có hệ thống, mặc dù khoảng cách của chúng có khác nhau đôi chút.

Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học rằng, sự nhất quán này cho thấy rằng, nghệ sĩ thời tiền sử không chỉ vẽ nguệch ngoạc mà còn có thể có khả năng nhận thức nâng cao.

Paul Pettitt, giáo sư khảo cổ học chuyên về thời kỳ đồ đá cũ và trung cổ châu Âu tại Đại học Durham ở Anh, khen ngợi nghiên cứu này vì đã xác nhận mối nghi ngờ từ lâu rằng các vết cắt trên xương gấu này được cắt cẩn thận bởi người Neanderthal thuận tay phải, thay vì vô tình bị động vật ăn thịt gặm nhấm nó bỏ lại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ít nhất xương được khắc trong hang Dziadowa Skala cho chúng ta thấy rằng người Neanderthal đang sử dụng văn hóa thị giác để mã hóa thông tin, một khả năng thực sự của con người.

Theo Live Science