Những cây cọ có tên khoa học là Socratea exorrhiza (biệt danh Cây cọ biết đi) nằm trong khu Dự trữ sinh quyển Sumaco Unesco, cách thủ đô Quito, Ecuador 100 km. Việc cho rằng những cây cọ này thực sự biết đi xuất phát từ khi các nhà khoa học không thể lý giải tại sao rễ cây có hình thù cà kheo đặc biệt như vậy.
Được tìm thấy trong rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ, các cây cọ phát triển rễ dài từ phía ngoài gốc cây, nổi lên khỏi mặt đất và bám chặt vào khoảng đất xung quanh. Cấu tạo đặc biệt khiến chúng trông như có nhiều chân. Nhưng không chỉ thế mà người ta bắt đầu nghĩ những cây cọ này thực sự biết đi.
Câu chuyện kỳ lạ được các hướng dẫn viên trong vùng kể lại cho khách du lịch đã nhiều năm qua. Theo lời họ, những cây cọ có chân biết đi từ bóng râm ra chỗ có ánh sáng mặt trời bằng cách vươn những chiếc rễ ra hướng muốn tới. Sau khi di chuyển ra chỗ mong muốn, các rễ chân này sẽ tự rút lên khỏi mặt đất và chết đi. Việc này giúp cây từ từ di chuyển về hướng các rễ mới mọc lên. Quá trình "đi" này phải mất tới vài năm.
Ý tưởng đầu tiên về những cái cây biết đi có từ năm 1980 do John H.Boley đưa ra. Ông cho rằng những cây cọ có khả năng di chuyển từ điểm nảy mầm sang chỗ mới khi có một cây khác chèn lên mầm giống và khiến chúng chết. Bằng cách này, cây cọ có thể tránh khỏi các vật cản khiến cây không thể trưởng thành.
Bí ẩn về chức năng của những rễ "chân" vẫn chưa có lời giải đáp. Ảnh: palmpedia.
Nhà sinh vật học Gerardo Avalos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững ở Atenas, Costa Rica và trang LiveSience.com - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Socratea exorrhiza cho ra mắt công trình nghiên cứu chi tiết về cây cọ và rễ của chúng năm 2005. Theo nghiên cứu này, những cây cọ không biết đi bởi rễ của chúng không hề di chuyển. Một vài rễ có thể chết đi và mọc mới nhưng thân cây chính vẫn đứng nguyên.
"Nghiên cứu của tôi chứng minh rằng niềm tin vào việc những cây cọ biết đi chỉ là chuyện thần thoại", Avalos nói. "Việc nghĩ cây cọ có thể đi đến chỗ có ánh sáng bằng việc di chuyển chậm rãi trên nền rừng chỉ là câu chuyện mà các hướng dẫn viên du lịch kể cho khách nghe khi dẫn họ tham quan rừng nhiệt đới".
San Rafael, thác nước cao nhất ở Ecuador trong khu Dự trữ sinh quyển Unesco Sumaco. Ảnh: BBC.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có lời giải đáp về vai trò của những rễ cây kỳ lạ. Nhiều người cho rằng các rễ đó có thể chỉ giúp cây đứng vững hơn trong khu vực đầm lầy hoặc nền đất quá gập ghềnh. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng những rễ chân này giúp cây đứng vững để vươn cao hơn đến khi đón được ánh sáng mặt trời.