Bệnh viện tiếp tục bị tố thiếu trách nhiệm

TP - Người dân tiếp tục phản ánh về những tắc trách xảy ra tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM.

Sau bài viết “Bệnh viện dùng máy giặt quần áo rửa bông gòn” đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 29/6, phản ánh về tình trạng vi phạm an toàn chống nhiễm khuẩn, ghi sai tên bệnh nhân trong quy trình xét nghiệm máu… xảy ra tại Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM), chúng tôi tiếp tục nhận được các phản ánh của thân nhân người bệnh về những tắc trách liên quan bệnh viện này.

Người nhà bà N.T.Kh. (71 tuổi, ngụ phường 5, quận Bình Thạnh) cho biết, bà Kh. nhập viện điều trị tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện quận Bình Thạnh ngày 13/6 và sáng hôm sau thì tử vong. Theo gia đình, khi vào viện, bà Kh. vẫn còn đi đứng, nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, kể từ khi nhập khoa cho đến khi chuyển xuống cấp cứu và qua đời, bệnh nhân hầu như bị bỏ bê trước sự thờ ơ của nhân viên y tế. 

Cụ thể, đêm 13/6, con gái bà Kh. nhận thấy mẹ mình có những dấu hiệu bất thường, nên đã nhiều lần báo với kíp trực để xử trí. Nhưng không có bác sĩ nào đến thăm khám, chăm sóc bệnh nhân. Đến rạng sáng 14/6, bà Kh. mới được một điều dưỡng và con gái đưa lên băng ca chuyển xuống Khoa Cấp cứu trong tình trạng đã hôn mê. Khoa Cấp cứu tiếp tục chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau đó bệnh nhân tử vong. Theo người nhà, bà Kh. đã qua đời ngay từ khi còn ở Khoa Cấp cứu - Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, giải thích, bà Kh. được theo dõi điều trị ngoại trú bệnh mạn tính tim mạch tại bệnh viện từ tháng 1/2014. Sáng 13/6, khi bà đi tái khám, tình trạng sức khỏe bệnh nhân không ổn, được tư vấn nhập viện, theo dõi điều trị tại Khoa Nội tim mạch, sau đó bệnh tạm ổn. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh trở nặng đột ngột, bệnh nhân được chuyển ngay xuống Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực, rồi chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục hồi sức, nhưng do bệnh nặng, bà không qua khỏi.

Theo ông Quí, thời gian nằm viện, bệnh nhân được bác sĩ, điều dưỡng theo dõi, điều trị và chuyển viện khi bệnh trở nặng. Kíp trực có trách nhiệm trong việc cứu chữa, không thờ ơ bỏ bê bệnh nhân. Theo ông, dù thế, bệnh viện vẫn họp hội đồng chuyên môn, đánh giá rút kinh nghiệm toàn bệnh viện về ca này. Đồng thời, phê bình kíp trực.