Thấy có chút chi ngồ ngộ vui vui khi các đồng nghiệp ở kênh truyền hình tiếng Việt ở Mỹ nhiều ngày qua đã liên tục điểm tin về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ J. Biden tới Việt Nam và bình luận về loạt bài 5 kỳ trên báo Tiền Phong Cái thuở ban đầu nước Mỹ ấy của người viết bài này (đăng từ ngày 20 đến 24 tháng 8/2023).
Họ cho rằng loạt bài viết trên báo Tiền Phong đã chuẩn bị dư luận cho sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden sắp có chuyến thăm đặc biệt đến Việt Nam. Rằng loạt bài trên báo Tiền Phong đã thuyết phục người đọc và có lý khi đặt vấn đề mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ như một nhân duyên, một định mệnh trớ trêu, ngọt ngào, cay đắng bằng việc dẫn ra những sự kiện có từ hơn 200 năm trước, khi đứt khi nối và kéo dài đến tận bây giờ!
Đồng nghiệp cũng dẫn ra câu nói (được đưa trong một kỳ của loạt bài) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nguyên là giáo sư sử học khi trả lời John Junior Kennedy - con trai của Tổng thống Mỹ John Kennedy, thời điểm khi Đại tướng ở tuổi 88, còn J.J. Kennedy 38): “Nhiều người Mỹ, nhất là thế hệ trẻ mới chỉ biết đến lịch sử bang giao Việt Mỹ qua một cuộc chiến tranh khốc liệt mà quên rằng đã từng có trang sử tốt đẹp trước đó...”.
Chuyện ông Biden lẩy Kiều
Định mệnh? Tôi đang lan man ở rìa cái ngữ nghĩa của cụm từ này.
Nếu như trong chương trình chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng đi sự hiện diện đột xuất của Phó Tổng thống Hoa Kỳ thời điểm đó là ngài Joe Biden trong bữa tiệc trưa chào đón do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức?
Lẽ ra chủ trì tiệc mừng trưa ấy với sự có mặt của 250 đại biểu, gồm nhiều chính khách, quan chức, đại diện các tổ chức xã hội, doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam là ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao J. Kerry.
Nhưng trớ trêu, sáng sớm ngày 8/7 ấy, ngài J. Kerry, người quen lệ chăm tập thể thao, không may bị cú trượt xe đạp khiến bị bong gân chân không thể tới tiệc. Ai sẽ trám vào sự vắng mặt đầy nhạy cảm ấy?
Phó Tổng thống Biden đột ngột xuất hiện, tươi tắn bày tỏ niềm vinh dự được thay mặt Chính phủ Mỹ chủ trì buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bây giờ vẫn vẹn nguyên tính thời sự và sống động nội dung bài diễn văn hơn 10 phút của ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà các phương tiện thông tin đã từng loan rộng rãi.
Rằng các nội dung trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở và thực chất trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama thể hiện đầy đủ, sâu sắc tầm nhìn về định hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới. Rằng kết quả phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa là rất lớn. Rằng quan hệ hai nước đã đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh tình hình thế giới và nhu cầu thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Ngài Phó Tổng thống nhấn mạnh và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh, quốc phòng; khẳng định lạc quan về tương lai tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Mỹ vv…
Mọi người đều bất ngờ khi ngài Phó Tổng thống nói xin đọc tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu thơ của một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng là Nguyễn Du.
Thì ra ngài J. Biden lẩy Kiều! Không cầm giấy, ông đọc bản dịch tiếng Anh: “Thank heaven we are here today/ To see the sun through parting fog and clouds” của hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời”
Ngài đương nhắc lại câu thơ tả Kiều gặp lại Kim Trọng sau 15 năm gian khổ lưu lạc!
Nhưng ý tại ngôn ngoại là ngài mượn hai câu ấy trong Truyện Kiều để bày tỏ tin tưởng vào tương lai và truyền đi thông điệp phát triển của đối tác toàn diện Việt Mỹ!
Việc ngài Phó Tổng thống Mỹ lẩy Kiều và lẩy cực đắt đã gây nhiều xôn xao thán phục hồi ấy. Bây giờ 8 năm đã qua đi. Đã nhiều, nhiều lắm những nhận định phỏng đoán này khác về trường hợp “lẩy Kiều” của ngài Phó Tổng thống!
Tiện đây cũng bộc bạch chút về từ “lẩy” Kiều.
“Lẩy Kiều” thực ra nói theo giọng miền Trung, Nghệ Tĩnh quê cụ Nguyễn Du là “lảy Kiều”. Từ “lảy” gần nghĩa với trảy, hái, bứt... (ra vườn lảy một quả cam). “Lảy Kiều”, “lẩy Kiều” là lảy từ trong Truyện Kiều ra một hoặc vài câu, cũng có thể một đoạn, rồi đọc lên hoặc ngâm lên, hát lên một cách rất hợp tình, hợp cảnh.
Cũng nên phân biệt “lảy Kiều” với “tập Kiều”. Đại để “tập Kiều” là mượn văn chương, chữ nghĩa Truyện Kiều để viết để vận về bất cứ đề tài gì, chủ yếu là đề tài thời sự, hiện tại.
Trở lại những nhận định cùng phỏng đoán. Rằng ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ hình như có biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng học khoa Văn ĐH Tổng hợp và tất nhiên hiểu biết sâu sắc truyện Kiều? Và không rõ ngài có biết 9 năm trước đó, người mà ngài đang hướng tới khi đọc câu Kiều trên cũng từng lẩy Kiều trong một dịp rất đặc biệt.
“Tôi nhớ hôm đó là vào ngày 26/6/2006, hồi 16 giờ, Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”
(Trích Diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Cổng Thông tin Quốc hội 23/10/2018)
Mà lạ, hai yếu nhân của Hoa Kỳ, ngài Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden, ở hai thời điểm của chặng đường quan hệ Mỹ Việt đều NHẮC đều VẬN đến KIỀU của Nguyễn Du?
Tổng thống Hoa Kỳ B. Clinton năm 2000 thăm chính thức Việt Nam đã từng nhanh nhậy và uyên bác đánh giá về mối quan hệ 5 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường Mỹ Việt bằng việc lẩy ra hai câu Kiều (câu thứ 1795 và 1796): “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” đó sao?
Có một sự tương đồng thú vị. Kim Trọng chờ đợi 15 năm mới được đoàn tụ với Thúy Kiều, còn ngài Joe Biden cũng chờ tới 15 năm sau ngài Bill Clinton mới lại lẩy Kiều?
Phải nói là ngài J. Biden lẩy mới thâm thúy làm sao. Trong 3.254 câu Kiều, cái câu Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời nó hàm, nó mang khí chất tươi sáng lạc quan nhất để vận vào mối quan hệ Việt - Mỹ mới!
Tan sương đầu ngõ mới nhìn thấy Hoa. Vén mây giữa trời mới ngó thấy Trăng!
Động thái siêu nhiên ấy phải có sự tiếp tay của con Tạo thì mới thành?
Vậy nên Nguyễn Du mới câu tiếp “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.
Thêm một tình tiết thú vị nữa, có ai để ý để nhớ rằng, dường như cả hai vợ chồng ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ ở thời điểm năm 2015 ấy cùng lúc cùng có chung cái cách tiếp cận văn hóa Việt? Bởi thời điểm ngài J. Biden đang hào hứng lẩy Kiều tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì phu nhân của ngài, bà Neilia Hunter Biden đang thả những nhịp bước thong thả cùng bà phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam và bà Tòng Thị Phóng đi thăm Văn Miếu. Chả là thời điểm đó, Phu nhân của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang có chuyến thăm 4 nước châu Á!
Chuyện Cụ Hồ lẩy Kiều trong đối ngoại
Viết đến đây không thể không nhớ đến cái tài tập Kiều lẫn lẩy Kiều của Cụ Hồ trong lĩnh vực đối ngoại.
Nhiều người hẳn nhớ cái câu “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Ấy là khi Người tiếp thượng khách Ấn Độ, Thủ tướng J. Nero (Mà nghe nói Cụ Hồ lẩy Kiều hẳn hòi bằng tiếng Anh: “Though we are just unified now? The certainty has been affirmed for ages”.
Đoạn này tả cảnh Từ Hải về đón Thúy Kiều sau 5 năm chinh chiến gây dựng thành công sự nghiệp).
Cụ “phát biểu” trong buổi tiễn Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô - Nguyên soái Liên Xô Kliment Voroshilov khi ông kết thúc chuyến thăm Việt Nam năm 1957: “Quan san muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn biển đều là anh em”.
Đại hội Đảng lần thứ III diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 10/9/1960 tại Hà Nội có sự góp mặt của đại diện 16 Đảng Cộng sản và các tổ chức quốc tế. Trong không khí thắm tình đoàn kết, Cụ Hồ nhấn nhá: “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Tiễn Tổng thống Indonesia Sukarno tại sân bay Gia Lâm, Người lưu luyến lẩy Kiều xen tập Kiều: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông mòn con mắt, phương trời đăm đăm!”.
Và: “Nhớ nhung trong lúc chia tay/ Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo người/ Người về Tổ quốc xa khơi/ Chúc người thắng lợi, chúc người bình an!”
Ngày 10/3/1963, trong buổi tiếp đón nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana, Người mượn âm hưởng Kiều để toát yếu sự gắn bó, gần gũi giữa hai quốc gia: “Bức tường nô lệ chắn ngang/ Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan san”.
Rồi nữa: “Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”.