Bên kia bờ ảo vọng

TP - Một hôm, bà chị họ gọi điện thoại từ Thanh Hóa sang Mỹ, nhắn nhủ tôi “có việc gì kiếm ra tiền mang cháu nó sang đấy với”. Cháu nó là con gái chị, tốt nghiệp cao đẳng Y. Tôi hỏi chị có biết xin visa sang Mỹ khó đến mức nào không, chị tỉnh bơ: Thì tôi bán nhà đút lót cho người ta!Tôi nghĩ có giải thích thêm chị cũng không tin, lại cho rằng chỉ vì tôi không muốn giúp, nên chào tạm biệt chị. 

Về quê, gặp mặt, tôi khuyên chị nên từ bỏ ý định cho cháu ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, bởi đấy là con đường xuống đầm lầy, con đường dốc dựng bên vực, con chị có thể chết bất cứ lúc nào, cái chết được pháp luật nghiêm minh báo trước, chân không sẩy vẫn rơi. Sau này, cháu sang Đài Loan lao động, khổ trăm bề, nhưng ít ra còn sống trở về. Bằng mọi cách, họ tìm đường ra đi. Cháu tôi, cháu bạn, muôn người giơ tay vẽ mộng hai tiếng nước ngoài.

Chị họ tôi ở quê, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, nhưng anh C người thành phố, là giáo viên, anh tâm sự với tôi đang lo năm mươi ngàn đô-la đưa cho người ta, để con gái sang Mỹ theo diện kết hôn, kết hôn giả. Người ta, ai đó vẽ một bức tranh thật rực rỡ, bức tranh có cầu thang dát vàng đặt trước đôi chân hãy còn chênh vênh của cháu. Sang đó, làm nail, chỉ cần một năm là trả xong nợ, cả đời còn lại vinh hoa phú quý, ngồi lo đếm tiền. Anh ơi, làm nail cực khổ thế nào anh biết không? Một thân một mình nơi xứ lạ khó cỡ nào anh biết không? Nguy cơ bị phát hiện bị bỏ tù bị trục xuất cao mức nào anh biết không? Đừng đi cách ấy, ở lại, có thể nghèo, nhưng con anh bước trên đường được vô tư ngẩng mặt chào sớm mai.

Sau cuộc nói chuyện hai hôm, báo đăng tin đường dây người Việt kết hôn giả với người Mỹ ở Texas bị phanh phui. Anh C vẫn kiên định: trăm vụ mới lộ một, chẳng qua không may. Tôi câm luôn. Biết nói gì, biết nói gì đây, khi khát vọng đổi đời bùng cháy thiêu đốt mọi can ngăn, khi ánh sáng nơi thiên đường ảo mộng che hết mọi lý lẽ.

Thiên đường? Mỹ hay Anh không phải thiên đường cho người đã nghèo lại mất tự do. Muốn bước tới cửa thiên đường, anh cần may mắn, cần thông minh, cần chăm chỉ. Mà nếu có những đức tính ấy, may mắn ấy, ở lại Việt Nam, anh vẫn tạo dựng được thiên đường cho gia đình mình. Nước ngoài, đi nước ngoài, đôi khi như cuộc vượt thoát, mà vượt khỏi chuyện nào, thoát khỏi cái gì, phía trước là đâu, người đi không rõ.

Người giàu thường giải thích họ di cư vì giáo dục, vì tương lai con cái. Người nghèo tìm cách đi chui vì tiền, vì khát vọng đổi đời.

Thú thực, trừ giới siêu giàu ra đi từ các thành phố, tôi chưa thấy người Việt nào dễ dàng một bước lên nấc thang thiên đường nơi xứ người. Du học sinh ư, trầy da tróc vẩy học hành - tìm việc - đi làm - thích nghi. Đoàn tụ gia đình, theo vợ theo chồng ư, chẳng phải ai cũng yêu cũng lấy được người tốt rồi sống hạnh phúc mà vơi đi nỗi nhớ quê nhà, “nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Tôi chưa đủ trải đời, chưa thấu hiểu hoàn cảnh, cũng như không có quyền khuyên ai đó đừng đi. Nhưng nếu ra đi, xin hãy chọn con đường đúng, con đường có ánh mặt trời, con đường có thể ngẩng đầu nhìn lên, con đường sống. Theo đường ấy, có thể ít tiền hơn nhưng rộng rãi bằng phẳng, nhiều nắng ấm. Như người cháu họ khác của tôi, xuất khẩu lao động sang Úc, làm trong nhà máy giết mổ gia súc, vốn sáng dạ lại chăm chỉ nên khi hết hạn hợp đồng được ông chủ bảo lãnh ký tiếp hợp đồng khác. Giờ cháu mua nhà cửa, đưa vợ con sang, đi học thêm, cánh cửa thiên đường cháu mơ ước đang hé mở.