Cũng hiếm có kỷ lục về xử lý cán bộ cấp cao nhanh đến vậy: Thời gian để Trung ương họp bất thường quyết định khai trừ Đảng, Quốc hội biểu quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, cách chức Bộ trưởng cho đến khi đọc lệnh khởi tố bắt giam chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ!
Những nhân vật đó là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng KH&CN). Chưa kể một “Phó Thượng thư” nữa là Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cũng bị bắt giam cùng ngày. Tất cả đều liên quan đến đại án Việt Á, cũng như hiện đã có tới hơn 60 cán bộ lãnh đạo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) và y tế tại hàng loạt địa phương sa vòng lao lý cũng từ đại án này.
Lịch sử án kinh tế thời phong kiến, lớn nhất có lẽ là vụ 62 quan lại các tỉnh miền Trung bị bắt đem ra xét xử vì tội nhận hối lộ của các tàu buôn nước ngoài vào năm Tự Đức thứ 7 (1854). Trong đó có tới 17 án tử hình. Nhưng xét về chức vụ, cũng như quy mô, mức độ sai phạm, thì vụ Việt Á thời nay đã đạt mốc lịch sử.
Người dân bày tỏ sư ủng hộ, tán đồng rất cao trước việc xử lý nhanh chóng, quyết liệt của Trung ương và các cơ quan pháp luật. Nhưng rồi kỷ lục buồn này liệu sẽ còn tiếp tục bị vượt qua không?
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, vừa có một phát biểu đau đáu nỗi niềm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa: “Nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”.
Bệnh “sợ trách nhiệm” có thể nói đã và đang “lậm” sâu vào đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả những người ngay thẳng, trung thực. Thực tế cho thấy đã có sự ách tắc khá lớn trong việc giải ngân vốn cho các dự án đầu tư, sợ mua sắm công kể cả lĩnh vực đặc biệt thiết yếu là y tế…
Nhưng không chỉ có vậy, mà điều lớn hơn từ phát biểu của vị nữ ĐBQH chuyên trách về Tư pháp, đó là những lỗ hổng, bất cập trong hệ thống các quy định pháp luật, từ luật hóa việc bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, cho đến những quy định rõ ràng, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân,…
Trong phạm vi liên quan, một ý kiến cũng đặc biệt gây chú ý của ĐBQH Lê Minh Trí, đó là “đề nghị xem lại quy định ‘làm thất thoát 100 triệu đồng bị xử lý hình sự’”. Bởi theo diễn giải của vị Viện trưởng Viện KSND Tối cao này, nếu “cố ý” sai phạm đương nhiên sẽ bị phạt tù, nhưng còn với hành vi “vô ý”, hoặc do cấp dưới đề xuất lên mà không kiểm soát được, thì sao? “Sau khi phát hiện sai phạm, người vi phạm đã khắc phục thì có bị xử lý hình sự không? Hoặc có thể tính mức thiệt hại quy mô hơn không? Với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà với mức 100 triệu đồng đã bị phạt tù là rất nặng”, ông Trí nêu quan điểm.
Với quốc nạn tham nhũng, lãng phí chúng ta đang “chống” rất quyết liệt, bắt thẳng tay, nhưng còn “xây” và giữ gìn đội ngũ những người thực sự dám nghĩ dám làm, muốn cống hiến có thể nói vẫn chưa được như ý. Đó thực sự là bài toán rất lớn cần giải quyết.