Bất ổn trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

TPO - Tại kết luận thanh tra về tình hình quản lý xăng dầu, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ nhiều bất cập, vi phạm trong việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đặc biệt là việc đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan quản lý Quỹ.

Kết luận thanh tra của TTCP cho thấy, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập và vi phạm. Điển hình là việc nhiều cơ quan tham gia quản lý Quỹ bình ổn giá (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp) dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng quỹ.

Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung phương thức xác định mức trích, mức chi quỹ tính cho 01 đơn vị khi bình ổn giá tại Thông tư liên tịch BCT-BTC... cũng là nguyên nhân dẫn tới việc từ năm 2017 đến 2021, liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định mức trích, mức chi Quỹ bình ổn giá thiếu cơ sở pháp luật.

“Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định chi bình ổn giá khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.142 tỷ đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá với số tiền hơn 318 tỷ đồng" - thông báo kết luận nêu.

Hình ảnh đông nghẹt tại cây xăng trên phố Tây Sơn (Hà Nội) vào năm 2022, thời điểm nhiều nơi cây xăng đóng cửa.

Ngoài ra, việc ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng tại kỳ điều hành từ 1/1/2017 đến trước 15h ngày 23/4/2018, dẫn đến 19 thương nhân đầu mối KDXD trích lập Quỹ bình ổn giá sai chủng loại xăng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ khoảng 679 tỷ đồng.

Theo quy định, Quỹ Bình ổn giá chỉ nên được sử dụng trong trường hợp khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng biện pháp lập quỹ được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa đúng với Luật giá số 11/2012/QH13.

Mặt khác, TTCP cũng cho rằng, cơ quan quản lý Quỹ có sự đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp và phân công nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) và Bộ Công thương (đơn vị phối hợp quản lý), trong quá trình kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối.

TTCP cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho ngân hàng thương mại về quản lý Quỹ Bình ổn, gây ra tình trạng 7 doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích với tổng số tiền là hơn 7.927 tỷ đồng. Số tiền này đã được giữ trong tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ mà không được chuyển về tài khoản Quỹ.

Ba doanh nghiệp đã trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn với khối lượng xăng dầu vượt quy định, dẫn đến sai lệch số liệu gần 4,8 tỷ đồng và chi sai từ quỹ khoảng 22,6 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác trích lập không đủ số tiền vào quỹ hơn 3 tỷ đồng, và một đơn vị thực hiện sai nguyên tắc kế toán số tiền điều chỉnh vào quỹ, với số tiền gần 10,3 tỷ đồng.

Tại kết luận, TTCP đề xuất Thủ tướng kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức và cá nhân liên quan tại Bộ Công thương và Bộ Tài chính, do vi phạm quy định về quản lý và dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, cũng như trách nhiệm phối hợp quản lý và giám sát Quỹ bình ổn, dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm dụng và sử dụng quỹ sai mục đích.

Cơ quan thanh tra cũng đã chuyển tài liệu liên quan sang cơ quan điều tra, Bộ Công an, để xem xét và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu và kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường tại 3 doanh nghiệp, bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Đáng chú ý, sau quyết định của Bộ Công Thương, hiện chỉ còn 36 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp xăng dầu hàng không, do Bộ đã rút giấy phép của Xuyên Việt Oil vào tháng 8/2023.