Bắt 500 “bom nổ chậm” - không xử lý được ai?

TP - Liên ngành Quản lý thị trường - Công an TP Hà Nội vừa phát hiện, thu giữ hơn 500 bình gas mất an toàn. Đại diện liên ngành cho biết, đây là những bình gas bị cắt tai, mài vỏ, nhiều bình hết niên hạn sử dụng… rất nguy hiểm với người tiêu dùng.

Nhiều bình hết niên hạn sử dụng

Trung tá Vũ Công Chí, Phó đội trưởng Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình cũng như phản ánh của một số hãng kinh doanh gas, thời gian qua, việc chiếm dụng vỏ bình gas đã tạo nên sự mất ổn định kinh doanh mặt hàng gas trên thị trường. Trước tình hình đó, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp Công an thành phố tổ chức kiểm tra thí điểm một số bình gas trên thị trường.


Qua kiểm tra 2.000 vỏ bình mang nhãn hiệu Vạn Lộc, liên ngành phát hiện có 500 vỏ bình có dấu hiệu bị cắt tai, mài vỏ thay đổi tên chủ sở hữu. Việc này được thể hiện ở hình thức, khi nội soi 2.000 bình, liên ngành phát hiện hơn 500 bình bên trong in nhãn hiệu của gần 20 hãng gas có tên tuổi như Petrolimex, Vinapetro, Shpetro, Hồng Hà Gas, Vinashin Gas… nhưng bên ngoài lại sơn, in gas Vạn Lộc. 

“Do bị cắt mài, lắp ghép nhiều lần nên với những bình gas đã bị hoán cải như thế này, độ an toàn không cao, thậm chí nhiều bình đã hết niên hạn sử dụng, sẽ rất nguy hiểm với người sử dụng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời”, Trung tá Chí nói.


Ông Nguyễn Văn Lộc, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, khẳng định, mục đích của việc hoán cải, thay tên chủ sở hữu này là để chiếm dụng bình gas. Mỗi DN kinh doanh gas trên thị trường phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng để sắm các trang thiết bị, trong đó có vỏ bình gas. 

Để sản xuất hay mua một bình gas DN phải bỏ ra từ 400 đến 500 nghìn đồng. Việc chiếm dụng vỏ bình của nhau dẫn đến các DN làm ăn đàng hoàng không có bình gas kinh doanh; với DN chiếm dụng bình gas do không phải bỏ ra nhiều vốn sắm thiết bị nên đã phá giá, đặc biệt làm việc tiêu thụ, sử dụng gas trên thị trường mất an toàn.

Phải xử lý hình sự

Để đảm bảo an toàn cho thị trường gas và người sử dụng, sáng qua, liên ngành Quản lý thị trường - Công an TP Hà Nội tổ chức tiêu hủy toàn bộ số bình gas lậu bị thu giữ. Tại bãi tiêu hủy ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên, PV Tiền Phong ghi nhận, hơn 500 bình gas lần lượt được mang ra khỏi kho chứa để lực lượng tiêu huỷ dùng máy xẻ cưa đôi. Bên trong các bình bị tiêu hủy, cả đầu và cuối bình đều lộ rõ tên DN sở hữu được in sâu như Petrolimex, Vinapetro, Shpetro, Hồng Hà Gas…., nhưng bên ngoài lại sơn, in gas Vạn Lộc. Ông Nguyễn Văn Lộc, nói rằng, sẽ bán sắt vụn hơn 500 bình gas này.

Nói về việc xử lý vi phạm trên, ông Lộc nêu khó khăn, việc kiểm tra, xác định bình gas lậu không đơn giản vì không thể phát hiện bằng mắt thường. Muốn chính xác, phải dùng máy để nội soi, nhưng các bình gas hầu hết nằm ở đại lý hoặc trong nhà dân, muốn kiểm tra chính xác phải mất thời gian dài tìm hiểu, điều tra. Ngay cả khi phát hiện ra số bình lậu và mang thương hiệu Vạn Lộc trên, việc xử lý vi phạm cũng không dễ do bằng chứng chưa có.

Trung tá Vũ Công Chí nêu thực tế, hơn 500 bình gas lậu mang nhãn hiệu ga Vạn Lộc được liên ngành thu giữ trên thị trường, chứ không phải thu giữ tại DN này. Do đó, việc xác định đối tượng nào thực hiện hành vi trên cơ quan chức năng cũng chưa đủ bằng chứng kết luận. Sắp tới liên ngành sẽ tập trung điều tra, làm rõ những đối tượng dùng thủ đoạn mài cắt, hoán cải chiếm dụng vỏ bình gas.

Theo quy định, việc chiếm dụng tài sản của người khác sẽ xử lý theo điều 171, Bộ luật Hình sự. Nhưng theo Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý, sử dụng gas việc này chỉ phạt hành chính.

“Chúng ta phải nhìn nhận là DN kinh doanh gas đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào vỏ bình để làm ăn nhưng thiết bị này bị chiếm dụng phần lớn thì họ sẽ mất cơ hội kinh doanh, thậm chí phá sản. Theo tôi, sắp tới, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 97 theo hướng tăng nặng cho hành vi chiếm dụng bình gas, nếu phát hiện hành vi này, cơ quan chức năng cần xử lý hình sự, chứ không thể xử lý hành chính”, Trung tá Chí đề nghị.