Những ngày đầu năm, đứng dưới chân núi Tam Bảo (tỉnh Hải Dương) nhìn lên, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non với sắc đỏ của rừng phong. Toạ lạc trên sườn núi là chùa Thanh Mai, nơi có bia "Thanh Mai Viên Thông pháp bi" vừa được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo nhiều tài liệu, chùa Thanh Mai xây dựng dưới thời Trần, rồi trở thành một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của đệ nhị Trúc Lâm Thiền phái Pháp Loa tôn giả (1284-1330).
Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh ngôi chùa cổ đã sụp đổ, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế và bị lãng quên. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được khôi phục, trùng tu trong nhiều năm sau đó.
Đến nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong Chùa cũng còn một số tấm bia thời Trần, Lê, và bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" là quý giá nhất.
Tấm bia bảo vật quốc gia này cao 131 cm, rộng 82 cm, dày 14 cm, được đặt trên lưng rùa. Hai mặt bia khắc khoảng 5.000 chữ nho, được cho là dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) đời vua Trần Dụ Tông, do Thị giả Trung Minh soạn và được Huyền Quang là môn đệ nối nghiệp Pháp Loa khảo đính. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, có thể phần văn bia đã được viết từ trước vì năm dựng bia thì cả Pháp Loa và Huyền Quang đã qua đời.
Ngoài nội dung về thân thế và sự nghiệp của Pháp Loa, nội dung tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông; Pháp Loa; Huyền Quang.
Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn lúc bấy giờ.
Nhà bia lưu giữ bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" tại chùa Thanh Mai. Ảnh: Giang Chinh
Trong thời gian tu hành, Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Quỳnh Lâm. Ông còn cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Địa Tạng và dành nhiều thời gian thuyết pháp, giảng kinh...
Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).