Bài xã luận bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh của Global Times (Thời báo Hoàn cầu), thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất hiện trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực ngày 12/7 sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại các đòi hỏi của Trung Quốc trên biển Đông.
Tờ báo này cho rằng, tranh chấp đã trở nên phức tạp do sự can dự của Mỹ và nay có thể tiếp tục leo thang do mối đe dọa từ tòa trọng tài đối với chủ quyền của Trung Quốc. “Washington đã đưa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến biển Đông, và họ muốn gửi tín hiệu bằng cách khoe cơ bắp. Là cường quốc lớn nhất ở khu vực, họ chờ đợi sự phục tùng từ Trung Quốc”, Global Times viết.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa này cho rằng, Trung Quốc nên tăng tốc phát triển năng lực răn đe quân sự để khiến Mỹ chảy máu mũi nếu họ can thiệp vào tranh chấp bằng vũ lực. “Trung Quốc hy vọng các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng phải chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Đây là tư duy thông thường trong quan hệ quốc tế”, bài xã luận viết.
Trả lời câu hỏi về bài báo và liệu xung đột có nổ ra trên biển Đông hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, chính phủ nước này cam kết duy trì hòa bình. “Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển Đông”, Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Trong khi đó, Manila có vẻ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh. “Thực tế là không ai muốn giải quyết xung đột theo cách bạo lực, không ai muốn chiến tranh”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua nói với đài truyền hình ANC. “Theo tôi, Tổng thống muốn duy trì quan hệ mạnh hơn, tốt hơn với tất cả, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và những nước khác”, ông Yasap nói về chính sách của tân Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Yasap nói rằng, cần một đặc phái viên để giúp giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines muốn đối thoại với Trung Quốc
Lãnh đạo Philippines hôm qua đề nghị đối thoại hòa giải với Trung Quốc. Ông Duterte nói rằng, tòa trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ đưa ra quyết định nghiêng về Philippines. “Nếu phán quyết đó thuận lợi cho chúng tôi, vậy hãy đối thoại đi”, ông Duterte phát biểu trước lực lượng không quân Philippines đóng tại Căn cứ không quân Clark, cách thủ đô Manila 1 giờ lái xe.
Tổng thống Duterte nói ông mong muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đi ngược lại quan điểm của người tiền nhiệm Benigno Aquino. Ông Aquino vì tức giận với Bắc Kinh nên đã thắt chặt quan hệ với Mỹ và triển khai vụ kiện chống lại Trung Quốc. Ông Aquino từ chối đối thoại song phương với Trung Quốc vì Bắc Kinh lúc nào cũng khăng khăng nói rằng, họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” nên không có gì để đàm phán. Ông Aquino cũng sợ rằng đàm phán song phương sẽ bất lợi cho Philippines vì họ có ít nguồn lực ngoại giao.
Ngược lại, ông Duterte từng nói ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc, thậm chí bắt tay để chia sẻ nguồn tài nguyên trên biển. Nhưng hôm qua là lần đầu tiên ông Duterte nói chính thức trên cương vị tổng thống để xác nhận rằng, ông sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh. Tổng thống Duterte nhắc lại quan điểm không muốn bất kỳ xung đột vũ trang nào. “Chúng tôi không chuẩn bị để tham gia chiến tranh. Chiến tranh là từ bẩn thỉu”, hãng tin AP dẫn lời ông Duterte.
Tổng thống Philippines khẳng định, ngay cả khi tòa trọng tài đưa ra quyết định bất lợi cho Philippines, chính quyền của ông cũng sẽ chấp nhận. “Chúng tôi sẽ thực hiện theo (phán quyết)… Chúng tôi sẽ luôn quyết định cho lợi ích lớn hơn của đất nước”, ông Duterte nói.
Giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại rằng, phán quyết của tòa trọng tài có thể khiến Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Đông hoặc gia tăng bồi đắp và xây dựng trên các đảo, bãi đá mà họ chiếm đóng tại khu vực tranh chấp. Báo Trung Quốc China Daily dẫn lời một quan chức ngoại giao nước này nói rằng, phản ứng của Trung Quốc “hoàn toàn phụ thuộc” vào Philippines. “Sẽ không có sự vụ nào cả nếu tất cả các bên liên quan đặt kết quả của tòa trọng tài sang một bên”, vị quan chức Trung Quốc nói.