Chiều 25-6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư phát đi thông tin cuối cùng về cơn bão số 2. Cơn bão này đã suy yếu thành vùng áp thấp khi đi vào vùng biển ven bờ các tỉnh ven bờ Hải Phòng - Ninh Bình. Trong vòng 24 giờ tới, vùng áp thấp sẽ đi sau vào khu vực Thương Lào với tốc độ 10-15 km/h, rồi suy yếu, tan dần.
Tuy nhiên, do hoàn lưu của vùng áp thấp, Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Đến chiều qua, 13 người chết, hơn 80 người bị thương do ảnh hưởng từ bão số 2. Trong đó, Hải Phòng có 7 người chết (3 người do lốc xoáy và 4 người sét đánh khi thu hoạch lúa ngày 23-6); Nam Định 3 người (sét đánh), Thái Bình 1 người (sét đánh); Yên Bái 1 người (do lũ quét); Thanh Hóa 2 người (sét đánh).
Hiện còn 4 người mất tích, trong đó Yên Bái có 3 người do lũ quét đêm 22-6, và Nghệ An 1 người do chìm tàu ngày 23-6.
Thông tin ban đầu cũng cho thấy, bão số 2 làm 30 căn nhà bị sập (chủ yếu Hải Phòng); hơn 950 nhà hư hại (trong đó Hải Phòng gần 900 nhà); có 8 tàu, thuyền bị chìm (Nghệ An 5, Thanh Hóa 1, Hải Phòng 2); bão cùng làm gần 3.000 ha lúa bị ngập úng, trên 1.150 ha bị hoa màu bị ngập, trong đó nặng nhất là Nam Định.
Đề phòng sạt lở, lũ quét
Hôm qua, Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão T.Ư và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn gửi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, cánh báo về mực nước trên sông ở các tỉnh này đang lên cao, đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Hiện, lũ ở hạ lưu sông Mã, sông Lam đang lên nhanh. Đến 16 giờ chiều qua, mực nước sông Lam tại Mường Xén là 144,9 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2005 2,75m; sông Hiếu tại Quỳ Châu 77,18 m, thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2007 2,01m.
Dự báo sáng nay (26-6), mực nước hạ lưu sông Mã sẽ đạt đỉnh nhưng còn dưới mức báo động 1; còn sáng mai 27-6, mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên mức 6,5 m, dưới báo động 2 là 0,4 m, sau đó còn tiếp tục lên.
Nhiều nơi ở Nghệ An bị cô lập
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến 16 giờ chiều 25 - 6, ba người chết và mất tích, hai người khác bị thương.
Nước lũ cũng cuốn trôi 16 nhà, 37 nhà bị sập,1.048 nhà bị nhấn chìm trong nước, 195 nhà bị tốc mái và hàng chục hộ dân đang có nguy cơ bị lũ cuốn trôi. Nhiều địa phương bị cô lập.
Cũng trong mấy ngày qua, 33 phòng học tại các huyện miền núi bị lũ tốc mái, cuốn trôi và làm đổ sập hoàn toàn.
Bên cạnh đó, hơn 4.000ha lúa, 1790 ha ngô và gần 1.500 ha các loại hoa màu khác bị lũ làm đổ và nhấn chìm trong nước.
10 người mất tích trên biển
Đến ngày 25-6, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hai người chết, 10 người mất tích trên biển, ước tính thiệt hại 187 tỷ đồng.
Hai người chết do bị sét đánh (một người ở xã Hà Vân, huyện Hà Trung và một người ở xã Nga Văn, huyện Nga Sơn).
Tại Hậu Giang, sáng sớm 25-6, một cơn lốc xoáy kèm mưa dông làm sập 40 nhà, tốc mái 58 căn nhà và phòng học tại các xã Long Bình, Tân Phú, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng, Vĩnh Viễn và Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang).
Hai người bị thương nhẹ, thiệt hại rất nhiều cây cối, hoa màu. Chính quyền địa phương đã điều động lực lượng và huy động bà con nhân dân khắc phục hậu quả của cơn lốc.
Tại Hải Phòng, sự xuất hiện bất ngờ của vòi rồng quét qua xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) chỉ trong vòng 10 phút trên quãng đường dài gần 3km và rộng cỡ 500m đã làm gần 1.000 ngôi nhà, phòng học bị san phẳng và bay nóc. Hai người chết, gần 80 người bị thương...