Bão số 1 suy yếu trước khi vào bờ

TP - Nhiều khả năng bão số 1 sẽ suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới trước khi vào bờ vùng Bà Rịa -Vũng Tàu - Bến Tre - Tiền Giang.
Sơ tán dân tại huyện Cần Giờ, TPHCM

> Thời tiết diễn biến ngày càng dị thường

Sơ tán dân tại huyện Cần Giờ, TPHCM.
 

2 tàu chìm trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đến 4 giờ sáng nay (1-4), tâm bão cách bờ biển Bình Thuận đến Bến Tre khoảng 130 km về phía đông đông nam, với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, tốc độ khoảng 10 km/h, và khả năng sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ chiều nay, vùng áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Bà Rịa Vũng Tàu - Bến Tre - Tiền Giang.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (từ 39 đến 61 km/h), giật cấp 8, cấp 9. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển sau vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, hôm qua, đợt không khí lạnh đã ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ. Hôm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục lấn xuống các tỉnh khác ở Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vài nơi, mưa rào và có nơi có dông, trời rét.

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, đến hôm qua, đã thông báo cho tổng số 48.575 tàu, thuyền với 230.324 lao động biết vị trí, diễn biến của bão. Đã có 2 tàu bị chìm là PY 96284/10 lao động và KH 95977TS/14 lao động, không có thiệt hại về người. Có 3 tàu bị hỏng ở Phú Yên và Quảng Ngãi.

Hiện nhiều hồ chứa ở Nam Trung bộ đang ở mức cao, do chưa cấp nước tưới vụ hè thu.

Vùng thủy điện Sông Tranh có mưa

Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Điều lo ngại là, dưới sức hút của bão số 1, khối không khí lạnh tiến sâu hơn xuống phía nam và có thể gây mưa ở khu vực trung Trung bộ, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh đang gặp sự cố rò đập.

Sau khi ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ, đêm qua và hôm nay, gió mùa đông bắc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của cả hai hình thế thời tiết đặc biệt, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông.

Lượng dòng chảy trung bình tuần trên các sông chính ở tỉnh Quảng Nam trong tuần qua đã cao hơn khoảng 167%. Đầu tuần này, do ảnh hưởng của mưa bão số 1, mực nước trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng tiếp tục tăng, và có thể xuất hiện một đợt lũ lên đến cấp BĐ1-BĐ2.

TPHCM sơ tán trên 15.000 dân

Sáng 31-3, UBND TPHCM chỉ đạo huyện Cần Giờ triển khai phương án di dời dân ứng phó nguy cơ bão số 1 đổ bộ. Thời hạn cuối cùng hoàn tất việc sơ tán là trước 15 giờ cùng ngày.

Lúc 9 giờ 30 sáng, tại thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) bắt đầu có mưa, gió mạnh dần. Địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng huy động 16 tàu, thuyền ngư dân, 11 tàu, ca nô của các cơ quan, đơn vị, 25 xe tải, xe khách di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, bao gồm vùng ven biển, cửa sông, trên sở đáy, các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.

Theo UBND huyện Cần Giờ, các hộ dân phải di dời thuộc 7 xã: Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An. Các hộ dân được đưa đến nơi tạm cư kiên cố, đảm bảo các điều kiện hậu cần, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự.

Riêng các hộ dân ở cù lao Phú Lợi (xã đảo Thạnh An) được di tản vào đất liền, tạm cư tại thị trấn Cần Thạnh. Lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, công an đã chằng chống nhà cửa cho hơn 400 căn nhà mái lá, mái tôn.

UBND huyện tổ chức lực lượng trực tuần tra, tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn ứng trực gồm 190 người, 25 ca nô, tàu thuyền. Từ 7 giờ ngày 31-3, TPHCM cấm biển, không cho tàu, thuyền xuất bến.

Tính đến chiều 31-3, TPHCM vẫn còn 15 tàu (công suất trên 90 CV) với 202 thuyền viên đang hoạt động trên biển, trong đó có 2 tàu neo đậu tại đảo Đá Tây (Trường Sa), 4 tàu tại Côn Sơn tránh bão.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí, khi bão vào đất liền gây mưa to, ngập úng, thành phố sẽ cắt điện ở khu vực bị ngập lụt sâu. TPHCM chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân vùng ngập lụt, các khu vực tạm cư, đặc biệt là nguồn nước sạch để tránh phát sinh dịch bệnh.

Dừng Festival diều quốc tế

Sáng 31-3, tại Cty du lịch quốc tế TP Vũng Tàu diễn ra lễ khai mạc festival diều quốc tế Vũng Tàu lần thứ 4. Tham dự Festival diều quốc tế Vũng Tàu có 33 đoàn diều với 152 nghệ nhân đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo kịch bản, Festival diều quốc tế lần 4 diễn ra trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, bầu trời Vũng Tàu u ám, không có gió, ngay sau lễ khai mạc trời đổ mưa lớn, không cánh diều nào bay được. Cuối buổi khai mạc, Ban tổ chức tuyên bố dừng tất cả các hoạt động của liên hoan để tập trung phòng chống bão số 1.

14 giờ cùng ngày, trời mưa to. Ban tổ chức huy động 3 ô tô chở 80 nghệ nhân diều quốc tế lên TPHCM. Các đoàn diều ở tỉnh thành lân cận được thông báo phải nhanh chóng trở về nhà để sẵn sàng ứng phó nếu bão đổ bộ. Các cơ sở lưu trú du lịch được yêu cầu chủ động kế hoạch phòng chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của khách du lịch.

Kiến nghị xả cạn hồ thủy điện Sông Tranh

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và gió mùa đông bắc, TS Nguyễn Bách Phúc ở TPHCM kiến nghị xả cạn hồ Thuỷ điện Sông Tranh 2 “vì an toàn sinh mạng của hàng vạn người ở vùng hạ lưu”.

TS Nguyễn Bách Phúc khẳng định việc xả cạn không chỉ để đảm bảo an toàn cho đập trong hiện tại mà còn là điều bắt buộc để các bên liên quan có thể nghiêm túc và sửa chữa đập một cách triệt để.

 
Theo Báo giấy