Báo động tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp

TP - Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế lẫn hạ thế đang diễn ra hiết sức nghiêm trọng, đặc biệt ở các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ.
Vụ cháy rẫy mía ngày 10/3 gây mất điện 4 khu công nghiệp tại Đồng Nai và các vùng lân cận Ảnh: Phạm Tùng

Cháy rẫy mía, nhiều khu công nghiệp mất điện

Khoảng 20 giờ ngày 21/3/2014, tại khu vực phường Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xảy ra một vụ cháy rẫy mía nằm phía dưới đường dây điện cao áp, gây mất điện ở các khu công nghiệp Bắc Sơn, Hố Nai, Loteco và Thống Nhất.

Trước đó, vào lúc 15 giờ ngày 10/3, cũng tại địa bàn Long Bình đã xảy ra một vụ cháy rẫy mía nằm phía dưới tuyến đường dây cao áp. Đám cháy bùng phát mạnh gây hiện tượng phóng điện từ dẫn đến sự cố mất điện trên 2 đường dây 110kV Long Bình - Thống Nhất và Long Bình - Bắc Sơn. Sự cố đã làm mất điện 4 trạm biến áp 110kV gồm trạm Bắc Sơn, Hố Nai, Loteco, Thống Nhất với tổng công suất phụ tải bị mất điện khoảng 180MW. Đây là 4 trạm cung cấp điện cho các KCN Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai, Loteco và các khu vực lân cận. Sự cố gây mất điện trong thời gian gần 4 tiếng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành điện và các doanh nghiệp, người dân trong phạm vi lưới điện cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Thành- Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (đơn vị quản lý, vận hành các đường dây và trạm kể trên) cho biết, sự cố ngày 10/3 đã làm cho công ty thiệt hại sản lượng điện là 446.000kWh, ngoài ra còn khiến cho hơn 40.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Riêng sự cố ngày 21/3, mặc dù công ty đã chủ động chuyển các trạm sang sử dụng nguồn dự phòng nhưng cũng đã làm thiệt hại sản lượng điện là 28.000kWh và 281 khách hàng bị ảnh hưởng.

Theo ông Thành, ngoài ngành điện, mức độ thiệt hại do sự cố mất điện kể trên đối với các khách hàng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp tuy rất khó tính toán nhưng không phải là ít. Với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp này, tính sơ bộ mỗi một giờ mất điện có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Cây cao su đe dọa lưới điện cao thế

Bình Phước là địa phương có diện tích trồng cao su lớn và đây cũng là nơi có rất nhiều cây cao su uy hiếp đến sự an toàn hành lang lưới điện cao thế. Theo báo cáo của Chi nhánh Điện cao thế Bình Phước (thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam), tổng số cây nằm ngoài cùng của các lô cao su có khả năng ngã đổ trên các tuyến đường dây 110 KV do Chi nhánh quản lý là 9.360 cây. 

Năm 2013, chi nhánh đã tiến hành chặt 5.489 cây, trong đó số lượng chặt tỉa thường xuyên trong điều kiện các đường dây đang mang điện là 3.072 cây và số lượng chặt tỉa trong điều kiện đường dây cắt điện là 2.417 cây. Số lượng cây được chặt tỉa tập trung nhiều nhất ở các huyện Chơn Thành (3.085 cây), Hớn Quản (1.314 cây)… Từ đầu năm đến hết 11/3/2014, chi nhánh đã chặt tỉa 850 cây, phần lớn tại các huyện Chơn Thành, Hớn Quản và Bù Gia Mập.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Huy Thông - Giám đốc Chi nhánh Điện cao thế Bình Phước, tình trạng cây cao su đe dọa đến hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn liên tục diễn ra và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một mặt bởi cây không ngừng phát triển, mặt khác do cây cao su rất dễ ngã đổ khi có gió mạnh, mưa bão.

Trong khi đó, theo ông Thông, hiện nay việc giải quyết các cây ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp ngã đổ vào đường dây 110 kV gặp rất nhiều khó khăn. Do cây cao su có giá trị kinh tế cao và là cây kinh tế chính của nhiều hộ gia đình nên người dân chỉ cho chặt tỉa cành, nhánh nhỏ nếu có sự tiếp giáp gần dây điện. Riêng với phần ngọn cây, người dân kiên quyết không cho chặt tỉa do lo ngại làm mất sản lượng mủ của cây trong quá trình chặt tỉa, hoặc cho chặt tỉa nhưng đòi bồi thường cao.

“Mặc dù đã tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn còn một bộ phận hộ dân nơi có đường dây cao áp đi qua chưa ý thức chấp hành quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự phối hợp, hỗ trợ chi nhánh trong việc giải quyết triệt để vấn đề cây cao su ngoài hành lang”- ông Thông cho biết.