Ông Chính cho biết, thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 10-6, cả nước xảy ra 440 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại 23 tỉnh, thành phố, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vì sao số cuộc đình công lại tăng đột biến, thưa ông?
Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian và sức lực mà người lao động phải bỏ ra. Đã có hàng ngàn công nhân, lao động đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động do điều kiện lao động khó khăn, giá cả tiêu dùng liên tục tăng cao, thu nhập quá thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình, thời gian làm việc căng thẳng.
Trong khi đó, chủ doanh nghiệp vi phạm pháp Luật Lao động và Luật Công đoàn, không giải quyết kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đặc biệt, một số cuộc đình công ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương xuất hiện tình trạng có một số đối tượng kích động công nhân đình công hoặc ngăn cản không cho công nhân vào doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu của công nhân nhằm tống tiền doanh nghiệp và người lao động.
Thu nhập thấp, ngay cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng khó tuyển lao động, do mức lương tối thiểu quá lạc hậu, thưa ông?
Tiền lương, thu nhập của công nhân tăng theo lộ trình của Chính phủ, nhưng do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên giá trị tiền lương thực tế giảm, dẫn đến đời sống của người lao động rất khó khăn, nhất là công nhân, lao động có thu nhập thấp, công nhân, lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Một số doanh nghiệp đã cố gắng tiết kiệm chi phí sản xuất để trợ giúp thêm cho người lao động từ 100.000 - 200.000 đồng/người/tháng nhưng vẫn không thu hút được lao động, vì với mức thu nhập đó công nhân chưa nuôi sống được bản thân, nói gì tới tích lũy. Đặc biệt là công nhân ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…
Bức xúc nhất của công nhân hiện nay là vấn đề nhà ở và tình trạng doanh nghiệp không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN khiến quyền lợi của công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
Đúng là tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, không đóng các loại BHXH cho người lao động tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công nhân nhảy việc, bỏ việc nên nhiều doanh nghiệp phải liên tục tuyển lao động là vì thế.
Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các khu nhà ở tập trung được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp vẫn còn thấp, hầu hết người lao động, nhất là đối tượng nhập cư phải sống trong các khu nhà thuê trọ chật chội, tạm bợ, không đảm bảo yêu cầu. Người lao động phải đóng tiền điện, nước giá cao… Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của công nhân, lao động và vấn đề vệ sinh môi trường sống.
Theo ông, làm thế nào để công nhân không phải đình công nhưng cuộc sống của họ vẫn được cải thiện?
Phải tăng cường giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, Liên đoàn Lao động các tỉnh cần nắm bắt việc thanh toán lương, thưởng và việc thực hiện các chế độ cho người lao động...
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, khảo sát xây dựng Đề án về chính sách lương tối thiểu để tham gia với cơ quan nhà nước, trình Chính phủ sửa đổi hệ thống lương tối thiểu sát với thực tế cuộc sống người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.
Cảm ơn ông !
Lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn khu vực 40%
Hiện lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 (các đô thị) chỉ 1.350.000 đồng (với DN trong nước) và 1.550.000 đồng (với DN nước ngoài). Bộ LĐ-TB&XH đang dự kiến điều chỉnh lên 1,9 triệu đồng/tháng.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiền lương tối thiểu của Việt Nam hiện thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%, thậm chí thấp hơn cả Lào và Campuchia.
Theo TS Nguyễn Sĩ Hiển - GĐ Trung tâm Thông tin và Xúc tiến đầu tư, Ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội, cho biết doanh nghiệp nước ngoài họ hiểu mức lương tối thiểu là mức sống.
“Tôi hỏi nhiều chủ nước ngoài, họ nói các ông quy định mức lương tối thiểu bằng này, nhưng chúng tôi đã tăng lên 1,8 hay 2 triệu đồng mà công nhân vẫn đình công. Nhưng thực tế ai cũng biết, số tiền 1,8 - 2 triệu đồng đó làm sao công nhân sống được”, ông Hiển nói.
Phong Cầm thực hiện
Quảng Nam: Công nhân xây dựng đình công đòi tăng lương
Sáng 19-7, hàng trăm công nhân xây dựng Công trình Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam tại xã Tam Hiệp huyện Núi Thành đình công đòi tăng lương, cung cấp bảo hộ lao động và bảo hiểm.
Theo các công nhân, họ là lao động thời vụ được tuyển vào làm ít nhất 8 tháng nhưng chưa được hưởng chế độ thỏa đáng. Đơn vị thầu thi công - Cty Bomi E & C (Hàn Quốc) trả lương thấp, không cung cấp đồ bảo hộ lao động, không ký hợp đồng lao động và bảo hiểm.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một công nhân, cho biết: “Làm công nhân công trường nhưng không có áo quần, giày mũ bảo hộ, công nhân đều phải tự sắm vì nếu không sẽ bị bảo vệ gác cổng không cho vào làm”. “Mỗi ngày nữ công nhân chỉ được nhận 60 ngàn đồng” - chị Lê Thị Hà một nữ công nói.
Lãnh đạo Công đoàn tỉnh Quảng Nam, công an huyện Núi Thành, lãnh đạo công ty đã có mặt để họp bàn giải quyết. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, Cty Bomi E & C không ký vào biên bản làm việc với lý do không hiểu nội dung biên bản. Các công nhân cho biết sẽ tiếp tục đình công nếu các yêu cầu của họ không được giải quyết thấu đáo.