Báo chí quốc tế quan tâm Đại hội Đảng XII

TP - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút sự quan tâm rộng rãi của báo chí khắp thế giới. Các hãng tin, báo và tạp chí lớn như Time, The Diplomat, Xinhua, China Daily, New York Times, South China Morning Post, BBC… đều đăng tin bài về sự kiện này, đề cập việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo mới, chính sách kinh tế, đối ngoại của Việt Nam.
Người dân Việt Nam đang chờ đón Đại hội XII thành công với đội ngũ lãnh đạo mới đưa đất nước tiến lên.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat, GS Jonathan London ở ĐH Thành thị Hong Kong cho rằng, người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến cơ chế và quản trị công, căng thẳng trong khu vực vẫn tiếp tục, nên việc Việt Nam sắp có đội ngũ lãnh đạo mới có ý nghĩa quan trọng, có tác động cả trong và ngoài nước. Ông London nhận định, những năm gần đây, văn hóa chính trị của Việt Nam trở nên đa dạng hơn; Việt Nam cởi mở hơn và hội nhập quốc tế ở mức độ cao hơn Trung Quốc. Với 30 triệu người dùng Facebook, Việt Nam đang chứng kiến người dân quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị và xã hội; ý kiến cho rằng chỉ một phần nhỏ dân số Việt Nam quan tâm đến chính trị giờ đã lỗi thời.

Nhiều yếu tố thuận lợi

Trong khi đó, Bloomberg viết rằng, việc ai được chọn làm lãnh đạo chủ chốt sẽ quyết định con đường Việt Nam sẽ đi trong thời điểm quan trọng này, đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước, triển khai các hiệp định thương mại mới và xử lý tranh chấp ở biển Đông đang căng thẳng. Đại hội XII cũng sẽ thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, năm ngoái tăng trưởng ở mức 6,7%, xuất khẩu tăng 8,1% lên 162,4 tỷ USD, trong đó 71% là đóng góp của các công ty nước ngoài, Bloomberg viết. Nhưng nhiều nhà kinh tế học và nhà đầu tư nước ngoài thúc giục chính phủ cải cách mạnh mẽ hơn đối với những doanh nghiệp được hưởng nhiều đặc quyền trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông và khai khoáng.

Dự  thảo kế hoạch 5 năm mới công nhận tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, kêu gọi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhanh hơn và đẩy mạnh chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải vạch ra kế hoạch để đáp ứng các hiệp định thương mại tự do mới ký với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kế hoạch 5 năm đề ra mục tiêu nâng tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người lên 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 từ mức 2.170 USD hiện nay theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu đạt được những mục tiêu này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, IMF nhận định. Lạm phát sẽ được duy trì ở mức dưới 5% và thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP. “Việt Nam sẽ bị kẹt trong bẫy thu nhập nếu không cải tổ hệ thống kinh tế”, Bloomberg dẫn nhận định của bà Trinh Nguyen, nhà kinh tế học cấp cao tại tổ chức Natixis SA có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc).

Bloomberg cho rằng, sự chuyển đổi quyền lực hiện nay ở Việt Nam sẽ diễn ra suôn sẻ và hòa bình. Sự ổn định chính trị của Việt Nam đang được đánh giá cao và là nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài vào đất nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được giải ngân năm 2015 tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức cao kỷ lục 14,5 tỷ USD. Sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo sẽ không khiến các nhà đầu tư xem lại chiến lược đầu tư của họ ở Việt Nam, Bloomberg dẫn ý kiến của Raymond Burghardt, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2001-2004.

Nhiều bài viết trên các báo nước ngoài cho rằng, ai lên lãnh đạo Việt Nam sẽ quyết định tương lai quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, còn Trung Quốc là nước có hệ thống chính trị gần gũi và là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ Burghardt cho rằng, dù tư tưởng của lãnh đạo mới của Việt Nam như thế nào thì cũng sẽ không đưa đất nước chuyển hướng đột ngột, mà chỉ điều chỉnh đôi chút theo hướng này hướng khác, báo Mỹ New York Times đưa tin.