Tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia, đồng chí Trương Tấn Sang:
Báo chí phải gắn với cuộc sống nhân dân
> 128 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2010
> Tiền Phong giành 5 giải báo chí Quốc gia 2010
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Các tác phẩm dự giải năm nay đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phản ánh sinh động những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Nhiều tác phẩm đã phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá đất nước ta.
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V có số lượng tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, số đơn vị báo chí tham dự nhiều nhất từ trước đến nay: Có 1.321 tác phẩm được tuyển chọn từ 51 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 73 Liên chi hội, Chi hội trực thuộc và cơ quan báo chí ở T.Ư tham dự giải. Đây cũng là giải có số lượng tác phẩm của cộng tác viên nhiều nhất từ trước đến nay (244 tác phẩm).
Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 161 tác phẩm báo chí thuộc 8 loại giải vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã tuyển chọn để Hội đồng giải Báo chí Quốc gia trao giải cho 128 tác phẩm, bao gồm: 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 giải Khuyến khích.
Hai giải A đã được trao cho tác giả Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN) với loạt bài: Lý Sơn-Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; và nhóm tác giả: Ngô Mai Phong, Trần Ngọc Duy, Lê Quỳnh Trang, Tống Văn Thanh (Báo Lao động) với loạt bài: Vụ tổ chức cướp than động trời tại Quảng Ninh. Giao lưu với khán giả, các tác giả cho biết để có những tác phẩm đoạt giải họ phải mất rất nhiều công sức thu thập tài liệu, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm, thách thức.
Báo Tiền Phong năm nay giành 5 giải Báo chí Quốc gia, gồm: 01 giải B (Tác phẩm Những đại dự án FDI vốn ảo của nhóm tác giả Trần Tuấn - Minh Thùy - Phạm Hùng); 02 giải C (Tác phẩm Cả nước khốn khổ vì ông độc quyền của nhóm tác giả Phạm Tuyên - Thành Duy - Phạm Anh - Đại Dương) và tác phẩm Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng của tác giả Hoàng Thiên Nga; 02 Giải Khuyến khích (Tác phẩm Nhật ký đừng đốt bằng tranh của tác giả Bá Kiên - Thanh Hằng; và tác phẩm Những người chống lại quan tham của nhóm tác giả Sáu Nghệ - Hồng Lĩnh - Phong Cầm - Tiến Hưng).
Phấn đấu để có nhiều tác phẩm xuất sắc
Phát biểu tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang biểu dương, đánh giá cao đóng góp của báo chí trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Thời gian tới, báo chí cần tập trung tuyên truyền, phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu học tập quán triệt Nghị quyết và các văn kiện ĐH XI của Đảng; cổ vũ, động viên nhân dân, các cấp, ngành thực hiện kết luận số 02 –KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2011; tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc phát hiện, phê phán, lên án tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Theo đồng chí Trương Tấn Sang, báo chí cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hoạt động, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, sự nghiệp đổi mới của đất nước để có ngày càng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, có tính chiến đấu, hấp dẫn, thuyết phục cao.
N.T lược ghi