> Chưa coi trọng người tiêu dùng
hóa chất. Ảnh: LN.
Nước lã hóa bún riêu, nước lèo
Trong vai người sắp mở quán ăn, PV Tiền Phong đến chợ Kim Biên tìm mua hóa chất, hương liệu chế biến thực phẩm. Vừa nghe PV nói định mở quán bún riêu, bún bò, nhân viên quầy hóa chất Tuyết Hồng tư vấn: “Muốn bún riêu có màu đẹp, bắt mắt thì cho thêm bột màu cam vào, bún bò thì có bột màu vàng. Mua bao nhiêu cũng có”. Nói đoạn, anh này lấy xuống 100g bột mịn màu đỏ thẫm đóng trong túi nilon không nhãn mác, hô giá 30.000 đồng.
“Túi này anh chị dùng cho 10 nồi nước bún riêu. Đảm bảo cho vào nước lã không giống như riêu cua thật, không lấy tiền”- anh này quả quyết. Anh nhân viên trên còn hướng dẫn cụ thể: “Cứ nấu nước sôi rồi cho vào, không cho vào nước lạnh vì dễ vón cục, cho đậm lợt thế nào tùy ý thích”.
Để cho nước lèo thơm lừng nhưng không tốn kém thịt, xương, nhân viên tiệm Vạn Lợi tư vấn nên cho các loại hương thịt bò, hương thịt heo. Trên những chai này cũng không có nhãn mác, chỉ có dòng chữ viết bằng bút lông lên thân chai: Hương bò, Hương thịt heo, Hương gà...
“Lúc nấu gần xong thì cho bột này vào nồi, cho bao nhiêu cũng được tùy theo muốn dậy mùi thơm tới đâu” – nhân viên này nói. Các loại hương này không bán lẻ, chỉ bán cả chai 1 kg, giá khoảng 300.000 đồng.
"Chúng tôi bán hóa chất cho các việc khác nhưng vì hám lợi một số người mua về chế biến thực phẩm hoặc ngâm trái cây” - Ông Tuấn, chủ một sạp hóa chất ở chợ Kim Biên nói.
Quay lại sạp Tuyết Hồng hỏi mua thêm Hương bò, anh bán hàng rót một chút nước vàng sệt đậm hương thịt bò ra nắp chai giới thiệu với khách. Hỏi có nếm thử được không, người bán hàng lúng túng hỏi ông chủ đang ngồi trong nhà. “Không nên nếm khi chưa chế biến. Nó chỉ có mùi hương thôi, không có vị gì hết” – ông chủ nói với ra. Một chủ cửa hàng khác mách thêm: “Muốn làm bò khô thì mua hương bò ướp với thịt heo, sấy khô sẽ ra món bò khô. Muốn cá viên thì trộn bột với hương liệu cá…”.
Khi PV nói mới mở quán chân gà nướng nhưng do ế ẩm nên chân gà cánh gà mau ươn thối, ông chủ của hàng Vạn Lợi giới thiệu loại hóa chất tẩy trắng, chuyên trị chân gà, hải sản ươn thối. Theo tìm hiểu, loại hóa chất này thực chất là Hydrogen Peroxide, được dùng để làm sạch vết thương và sát khuẩn, điều chế thuốc nhuộm tóc hay tẩy trắng giấy. Một số chủ sạp cho biết thêm, có nhiều người đến hỏi mua bột chống mốc Benzoate để ướp các loại dưa củ kiệu, dưa muối, tránh ủng, thối…
Rùng mình “cà phê chồn”, trái cây ngâm
Theo chân chị Hoa, một người thân bán cà phê cóc trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 ra chợ Kim Biên mua hương liệu chế cà phê, PV không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngập tràn hương liệu chế biến cà phê rợn người. Chỉ cần bột bắp và đậu nành cộng với một số loại hương liệu sẽ biến cà phê “hóa chất” thành cà phê chồn thượng hạng.
Theo TS Nguyễn Xuân Mai- Nguyên Phó Viện trưởng Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, hóa chất công nghiệp tác động trực tiếp đến cơ thể sẽ gây viêm loét dạ dày. Nhiều chất dùng trong tẩy trắng thực phẩm khi vào cơ thể tiếp nhiễm qua đường khí quản về lâu dài gây nguy cơ ung thư.
Tại sạp T.H, người bán lấy ra một lon chất keo gọi là CNC, một bịch bột tạo trắng và một bịch tạo mùi. Chị Hoa cho biết, để có được một ly cà phê hoàn hảo cần ít nhất 4 chất phụ gia. “Chi khoảng 100.000 đồng có thể cho ra 50 ly cà phê cóc bình dân”- chị Hoa nói.
Để chế cà phê theo kiểu này, người bán hóa chất cho biết cần phải mua chất bột keo để khi cho vào nước làm cà phê kết dính sền sệt, sau đó cho thêm bột tạo bọt trắng, thêm chất caramen tạo mùi vị. “Yên tâm, có cho vào nước lã cũng dậy mùi như cà phê đúng điệu”, ông chủ quầy C.A phán chắc nịch.
Một thanh niên ở sạp Tuyết Hồng cho biết thêm, muốn cà phê sữa thì cho ít tinh sữa vào, trộn thêm keo dẻo, bột tạo bọt, bơ công nghiệp; cà phê ca cao thì cho thêm ít đường hóa học, bột va-ni và tinh ca cao. Cửa hàng Chấn P. (ở tổ 19 khu chợ Kim Biên) còn giới thiệu với PV 2 loại hóa chất giúp trái cây lâu hư, loại bột 120.000 đồng/kg, loại nước 150.000 đồng/ bịch 2 lít.
Nhiều loại hóa chất dùng bảo quản, chống mốc, diệt nấm, thậm chí hóa chất trong chất diệt cỏ cũng được một số cửa hàng quảng cáo là chất giúp trái cây tươi nguyên sau nhiều tháng. Để làm trái cây chín đều, các cửa hàng còn bán chất ethrel…
Tiến sĩ Phạm Thành Quân- Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng những loại hóa chất ướp tẩm trái cây có sự thẩm thấu nhanh vào bên trong và diệt được các loại côn trùng, vi khuẩn, ngăn chặn chuyển hóa các tế bào và chống ô xy hóa nên giữ trái cây lâu hư. Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng ăn phải trái cây ngậm hóa chất rất nguy hại đến sức khỏe.
Khó quản?
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Quản lý thị trường TPHCM cho biết, cơ quan này có chức năng kiểm tra, giám sát các mặt hàng nhập lậu, không nguồn gốc, xuất xứ, còn việc quản lý hóa chất công nghiệp hay thực phẩm thì do ngành y tế đảm nhận.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, có 17/19 sạp kinh doanh hóa chất trong khu vực chợ Kim Biên đạt yêu cầu, song khoảng 30 sạp ở khu vực sát chợ rất khó quản.
Họ trưng bày hóa chất công nghiệp, còn hóa chất thực phẩm hoàn toàn không thấy. Song, khi khách yêu cầu sử dụng hóa chất thực phẩm, các cửa hàng này vẫn có hàng chục mặt hàng. Để chấn chỉnh, theo ông Hòa, sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh cho các cửa hàng trong chợ, yêu cầu các tiểu thương lập hồ sơ thẩm định để được cấp giấy.
Trong khi ngành chức năng vẫn đang lúng túng, những người phụ trách chợ Kim Biên cũng cho rằng rất khó quản lý việc buôn bán hóa chất ở đây. Theo bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ, có hơn 100 mặt hàng hóa chất thực phẩm được bán tại chợ.
Hơn 30 cửa hàng khác kinh doanh hóa chất, hương liệu công nghiệp gần khu vực không thuộc quyền quản lý của chợ Kim Biên nên rất khó kiểm soát. Ngoài ra, việc phân biệt đâu là hóa chất được phép bán hay không cũng rất khó.