Băn khoăn tiêu chí chuyên gia giám định cổ vật

TP - Bộ VHTTDL mới đây ra Thông tư quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, nhưng một số chuyên gia còn băn khoăn xung quanh những tiêu chí này.
Các chuyên gia hàng đầu về khảo cổ, lịch sử đều cho rằng việc giám định cổ vật là công việc cực kỳ khó khăn. Ảnh: Nguyên Khánh.

Ai là chuyên gia?

Cuối năm 2011, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 22 Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, trong đó có quy định tổ chuyên gia giám định cổ vật. Tuy nhiên, chờ 6 năm sau Bộ mới có Thông tư số 02/2017 về Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, hiệu lực từ 25/8/2017.

Theo đó, chuyên gia giám định cổ vật là người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Trình độ đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; Ít nhất 5 năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, thẩm định tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa và khoa học tự nhiên có liên quan; có ít nhất ba bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản. Là thành viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên, có ít nhất 10 năm thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

Gian nan giám định

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, thành phần chuyên gia giám định cổ vật “quá rộng nên không đủ chặt chẽ”. “Chuyên gia học đại học các ngành nói trên, ra làm trực tiếp 5 năm, viết ba bài báo nhưng có khi được “sờ” vào hiện vật ít hơn những người sưu tầm cổ vật. Trong khi, những người sưu tầm (thực tế sống tốt) có trau dồi, đọc, học và có thực tế... nhưng lại thiếu kiến thức căn bản và liên ngành vì không qua đào tạo. Tôi có cảm giác Bộ VHTTDL đang nhảy từ thái cực “siết” sang thái cực toang hoang”, TS Kiên nói.

Thực tế tiêu chí “có trình độ đại học” nhận được nhiều phản đối của các chuyên gia đầu ngành trong các hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư này. GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia từng nêu ý kiến, quy định bằng cấp này máy móc, bởi đây là lĩnh vực đặc thù nên có sự linh động. Nay ông cho hay, nhiều người tốt nghiệp đại học chưa chắc thẩm định đúng, trong khi số khác dù không có bằng nhưng khả năng thẩm định tốt, có kinh nghiệm. Về tiêu chí, ít nhất 10 năm kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ, một số chuyên gia cho rằng vẫn “non”, bởi muốn trở thành bậc đại sư có khi cần vài chục năm.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng Thông tư này đáp ứng nhu cầu về thẩm định, trao đổi cổ vật ở địa phương. Số lượng cổ vật và nhu cầu giám định rất lớn nhưng lực lượng chuyên gia giám định còn mỏng. Tuy nhiên, PGS Tín cho rằng quy định này sẽ khó cho các địa phương, như không dễ tìm được người có thâm niên tham gia trực tiếp khai quật khảo cổ. “Giám định cổ vật cực kỳ khó ngay cả với Trung ương chứ chưa nói đến địa phương”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng kỹ năng giám định “nặng về cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm cá nhân” nên cũng khó có hội đồng nào thẩm định được. Dẫu vậy, Bộ VHTTDL cũng thành lập Hội đồng giám định cổ vật, hội đồng này không tham gia vào tổ chuyên gia thẩm định của các cơ sở thẩm định.

Về sự gian nan trong thẩm định cổ vật, TS Nguyễn Hồng Kiên kể một vài đồng nghiệp vì nể bạn bè, xem hoặc nói về giá trị của cổ vật. Sau họ bị vướng lao lý, kỷ luật đuổi khỏi nghề khảo cổ vì hiện vật đó bị bán lậu. “Tôi có một bậc đàn anh rất giỏi về nghệ thuật, đi các bảo tàng thế giới ông ấy nhìn ra đồ giả đang trưng bày nhưng cũng cười không nói. Vì có nói, họ lại bảo chuyên gia này, chuyên gia kia đã giám định. Và rồi chính ông ấy bị đi tù hai năm vì tội buôn bán cổ vật. Người giám định những đồ công an thu giữ ở nhà ông ấy khẳng định đó là đồ thật. Hai năm sau ra tù, công an trả lại đồ, có cả những tượng bong tróc hết lớp patin làm màu, lộ nguyên thạch cao trắng phớ”, TS Kiên kể.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói: “Theo tôi, cứ đưa ra cơ sở trước đã, triển khai thực tế nếu địa phương có vướng mắc sẽ điều chỉnh. Địa phương cũng chờ quy định này từ lâu rồi, nếu không có quy chuẩn này họ không có cơ sở hoạt động-như thế là cản trở địa phương. Vừa rồi tôi dự cuộc hội nghị quốc tế về di sản, ngay cả luật di sản cũng điều chỉnh hàng năm, phải cập nhật với thay đổi của đời sống”.

Trong Thông tư 02 này, Bộ VHTTDL đề nghị trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, bổ sung và sửa đổi.