Không lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND quận tại Đà Nẵng, TPHCM
Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin về yêu cầu và những nội dung chủ yếu trong công tác triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Bà Thanh cho biết, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hình thức hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã ba lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, 2014 và lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất vào năm 2018. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.
Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được quan tâm sửa đổi qua các khoá Quốc hội để dần hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, so với quy định tại Nghị quyết số 85, Nghị quyết số 96 bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Đối tượng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của Hội đồng nhân dân.
“Không lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp xã. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại TP Đà Nẵng và TPHCM vì đây là chức danh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm”, bà Thanh nêu.
Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Nghị quyết số 96 đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Nghị quyết số 96 bổ sung 1 điều quy định các hành vi bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật, phản ánh thực chất kết quả tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Về quy trình, nghị quyết đã bổ sung, quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và thời hạn của một số bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự.
“Tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức
Về hệ quả, Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, thể chế hoá Quy định số 96, theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
“Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá 'tín nhiệm thấp' trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất”, bà Thanh cho hay.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, theo bà Thanh, Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Hiện tại, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân, bà Thanh đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Đồng thời báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh và tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu tiếp tục có phát sinh vướng mắc, đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu) để có hướng dẫn thống nhất thực hiện”, bà Thanh lưu ý.