Bài học ghép từ những lần gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

TP - Trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư ngắn ngủi của mình, ông Lê Khả Phiêu đã để lại dấu ấn quyết liệt với tệ nạn tham nhũng, và thời gian sau này, chất lửa ấy vẫn nguyên vẹn và luôn được truyền dẫn tiếp nối. Những người làm báo nhớ lại một thời điểm sôi động và nhạy cảm ấy.
Ông Lê Khả Phiêu gặp cán bộ báo Tiền Phong

Cái thở dài của cựu Tổng Bí thư

65 Phan Đình Phùng. Đó là khu vực làm việc mới của cựu Tổng Bí thư theo tiêu chuẩn nhà nước.

Một chiều muộn mùa hè năm 2005, tôi đã đến ngôi nhà 65 này. Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhẹ nhõm hoạt bát trong bộ đồ màu sáng.

Thời điểm đó đang bùng nổ vụ Năm Cam. Trước khi vào việc, chất giọng cựu Tổng Bí thư như đượm nỗi phiền muộn khi ông lấy tay vỗ nhẹ lên chồng báo mới. Ông đang  phàn nàn về cái nạn mua bán khoá luận, luận văn ở vài trường đại học mà ông vừa đọc trên một số báo sáng nay.

 Bên tách trà xanh được chắt ra từ một chiếc bình tích, cuộc trao đổi thân mật nhẹ nhàng hơn là một cuộc phỏng vấn…

+   Thưa ông, xin lỗi, hình như thời điểm xử lý Năm Cam, ông có biết...

- Hồi năm 1995, mình vẫn ở bên Tổng cục Chính trị. Việc trực Bộ Chính trị do anh Đào Duy Tùng đảm nhiệm. Việc Năm Cam ngày ấy mình có nghe qua báo chí...

+ Ông có nhận xét gì về  vụ Năm Cam qua báo chí những ngày đó?

- (Ông vuốt nhẹ tờ báo vẻ thận trọng... Tới lúc này tôi mới nhận thấy trên bàn làm việc của nguyên Tổng Bí thư có rất nhiều loại báo, tạp chí...) Theo mình, trong thời điểm khó khăn này lương tri của những lương dân và cán bộ đảng viên phải đứng cao hơn sự kiện đáng buồn và xấu hổ như vụ Năm Cam là kịp thời rút ra những bài học bổ ích về việc chấn chỉnh những kẽ hở của luật pháp, về công tác quản lý cán bộ, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng... (Cựu Tổng Bí thư buông một tiếng thở dài). Buồn, mình buồn và thấy nhục nữa... Một câu hỏi không riêng mình trăn trở: Tại sao bọn tội phạm lại có thể lộng hành đến thế? Chúng ta có cả một bộ máy, có  lực lượng chuyên chính cơ mà? Bọn chúng - chỉ là một nhúm ít ỏi - lại có thể hoành hành ngoài xã hội, lũng đoạn bộ máy của chúng ta, làm tha hoá không ít cán bộ đảng viên, có cả cán bộ cao cấp...

Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với phóng  viên  Tiền Phong và bà Phạm Thị Xuân Khải,  
tác giả  Mùa Xuân nhớ Bác

+ Ông có kiến giải gì về nguyên nhân?

-  Nào có gì rắc rối và bí hiểm đâu. Hữu khuynh. Buông lỏng! Không ít ý kiến cho rằng bọn lưu manh biết cách giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân rất hiệu quả!? Những là đòi nợ thuê? Những là dàn xếp những vụ xích mích trong phường khóm thôn xã?… Lại có những lời vội vã “một biến thái sinh động của công tác xã hội hoá pháp luật” (!?).

Cũng phải thừa nhận hoạt động của không ít cơ quan bảo vệ pháp luật yếu và kém hiệu quả dẫn đến một bộ phận dân tin vào sự thu xếp giải quyết của bọn lưu manh hơn tin vào hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật! Vụ Khánh “trắng’’, vụ Phúc “bồ’’ ở Hà Nội, vụ Tin Pales ở Nha Trang... bọn lưu manh tác yêu tác quái một thời gian không phải ngắn.

Một nguyên nhân nữa, cũ rồi nhưng vẫn luôn xuất hiện trong mỗi vụ án là để tình trạng kéo dài người của cơ quan bảo vệ pháp luật không được “miễn dịch”. Nghĩa là không kịp thời kiểm tra xem xét kỷ luật chấn chỉnh, rà soát rút kinh nghiệm để bọn xấu dắt mũi dài dài...

Dính vào vụ Khánh “trắng”, vụ Tin Pales, nhất là vụ Đầm Dơi (Cà Mau) và nhiều vụ khác nữa có không ít cán bộ công an, kiểm sát. Ai sẽ chịu trách nhiệm việc tổng kết từ những vụ việc ấy kịp thời xem xét rút kinh nghiệm không để nhiều vụ khác với tính chất phạm tội na ná như nhau liên tục phát sinh và nổi cộm là hậu quả của vụ Năm Cam bùng phát hôm nay?

+ Thưa, sự phối hợp của các cơ quan chức năng thời điểm đầu xử lý vụ Năm Cam cũng khá ráo riết?

- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể kiến nghị không đồng ý việc đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo. Những báo cáo gửi cho những cơ quan có trách nhiệm, kể cả những đồng chí lãnh đạo cao cấp có thể vì lý do gì đó không đến được nơi cần đến, nhưng không có cá nhân nào, không có cơ quan có trách nhiệm nào cản được những cơ quan điều tra đang thực thi nhiệm vụ nắm thông tin, bằng chứng về sự phạm pháp của Năm Cam. Và rồi, những thông tin ấy nó rơi vào tình trạng “sư nói sư đúng vãi nói vãi hay” trên báo chí?

+ Thưa, sự cố Năm Cam đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào cơ quan hành pháp và thậm chí với cả báo chí nữa...

- (Nguyên Tổng Bí thư khoát mạnh tay) Cũng có nhiều người vội vã phàn nàn với tôi như vậy và còn nhấn thêm đó là cái giá tất yếu của sự hoà nhập khu vực và quốc tế, rằng khi đã hoà nhập đã mở cửa rồi thì không khí trong lành hay ruồi muỗi bụi bặm đều ùa vào... Nước ngoài có mafia, có xã hội đen thì ta có cũng là chuyện bình thường... 

Bài học rút ra từ vụ Năm Cam luôn mới và đắt giá trước nhất là đối với những cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi đã nói rồi, dân mình vốn rất vị tha nên nếu công khai những lỗi lầm, khuyết điểm và cả những mất mát trước dân, thành khẩn khắc phục thì lòng tin chẳng những không bị xói mòn mà càng thêm được củng cố, uy tín của chúng ta cũng vì thế mà càng
tăng lên...

+ Thưa ông, trong lãnh đạo có ai nghĩ rằng hoạt động của bọn tội phạm đã tạo dựng được tâm lý là dân vừa sợ bọn tội phạm, lại vừa ngại tìm đến các cơ quan chức năng?

- Thoạt đầu thì bọn tội phạm chẳng có gì đáng ngại. Chúng chỉ là một nhúm nhỏ, chúng sợ nhân dân, càng sợ hơn lực lượng trấn áp của chúng ta. Như Năm Cam đấy, khởi thủy thì chúng chỉ mở một vài sòng bạc, trường gà nho nhỏ, giải quyết một số mâu thuẫn trong giới giang hồ.

Nhưng khi chúng qua cầu nối - ở đây như tên Thuyết “buôn vua” hay qua mặt được một số cán bộ công an ở thành phố Hồ Chí Minh - thì chúng bắt đầu hoạt động mạnh hơn, bành trướng thế lực, tiếp tục tha hoá cán bộ và cứ thế ngày một lộng hành. Không ngăn chặn được chúng ngay từ thời điểm trước năm 1995 thì nguy hại một, nhưng để đến bây giờ rõ ràng là nguy hại mười. Thêm nhiều cán bộ bị sa ngã, từ mất cảnh giác, đến tha hoá, thậm chí tiếp tay cho chúng.

Ban đầu chúng chỉ “đánh” được vào một số cán bộ, một số rất ít trở thành tù binh của chúng, nhưng về sau một bộ phận cán bộ bị bọn chúng tha hoá, biến chất. Thâm nhập được vào một cá nhân, rồi sẽ tới một vài cá nhân; lũng đoạn được vào một bộ phận nhỏ rồi sẽ tới một bộ phận lớn hơn và cuối cùng nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời thì tiến tới chúng sẽ phá vỡ những mắt xích quan trọng trong hệ thống, lũng đoạn cả bộ máy của chúng ta. Nhưng căm ghét cái xấu, chống lại cái ác, phẩm chất ấy bao giờ cũng tiềm tàng và phổ biến trong dân ta... Cái khó là khơi dậy và phát huy tiềm năng đó như thế nào...  (Còn nữa)