Ba chữ ký để đề đạt... 2 người!

TP - Tầm tuổi này, lắm khi lẩn thẩn cứ nghĩ, cái chòi con con chưa tới chục mét vuông mà tôi cư ngụ những năm xa ở trên gác 2 Khu tập thể Báo Tiền Phong phố Hàng Trống giá bây giờ mà còn? Thì sao? Thì ở cửa có thể bày ra lắm trò nghịch ngợm. Tỷ như có tấm biển đại loại, nơi đây các tao nhân mặc khách những Hoàng Cầm, Kim Lân, Huy Cận, Tạ Đình Đề… đã từng ghé!
Cụ Bùi Bằng Đoàn (bìa phải) và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chả phải ngoa và nói vống lên? Các đấng Tạ Đình Đề và những văn nhân ấy do có quan hệ bài vở mà khi cần, các cụ cũng có lòng mến nên thi thoảng ghé. Còn nhà thơ Huy Cận ngoài bài vở ra dạo ấy đang vướng phải một vụ kiện mà do ông chủ động, gọi là nguyên đơn. Xin lạy giời chớ bắt những đấng ấy dính dáng đến kiện cáo. Nếu cực chẳng đã thì lộ trình lẫn đường đi nước bước nó tội nghiệp lắm. Vậy nên tôi phải cậy mấy anh bạn luật sư tận tình giúp cụ.

Chả dám có cái ý gần chùa gọi Bụt bằng anh. Nhưng thời buổi ấy, trong không khí thân gần, tôi và mấy tay viết lách nhân thấy nhà thơ Huy Cận xuề xòa, vui tính lại có chén rượu trắng thường kiếm cớ nã… chuyện cụ Huy Cận. Mà bọn nghịch ngợm chúng tôi tinh mang những thứ giai thoại ra bắt nọn cụ.

Nào là có phải cơ sở biếu 5 chai nước mắm. Xe đang chạy nghe xoảng phía dưới một cái. Lái xe thốt lên, thế là vỡ mất một chai rồi. Nhà thơ Huy Cận ngồi ghế đầu cũng thốt theo. May quá không phải chai của tớ!

Thưa anh, có đúng như người ta nói không ạ? Thưa anh lại chuyện này nữa, đi công tác nước ngoài về, nhà thơ Huy Cận hỏi cậu lái xe ra đón ở sân bay, cậu có bật lửa không? Không ạ. Tiếc quá tưởng cậu có tớ cho mấy viên đá lửa. Nhà thơ xuýt xoa! Đại loại những chuyện vớ vẩn vậy.

Nhà thơ Huy Cận

Trong các cung bậc cười ngả nghiêng nhuốm những bình đẳng và dân chủ ấy, lần đó thoáng thấy tác giả Lửa Thiêng, Tràng giang… nghiêm giọng lại.

Này, cái tính cẩn thận của tớ từ hồi trẻ khá nổi tiếng đấy nhá. Nhiều người gọi là Huy Cận cẩn thận mà. Đến cả tai Bác Hồ cơ đấy.

Ấy là chuyện, sau cách mạng tháng Tám, Bác Hồ điều động nhà thơ Huy Cận vào Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ Lâm thời, tiền thân của Thanh tra Chính phủ
bây giờ!

Chuyện này nếu nhắc tới thì phải rút từ chính sử nghiêm cẩn.

Và sẽ thấy những dòng này.

 … Việc quyết định thành lập Ban thanh tra đặc biệt (BTTĐB) có tới 3 chữ ký. Hồ Chí Minh. Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vũ Ngọc Khánh.

Ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch đã ký ban bố sắc lệnh thành lập BTTĐB. Sắc lệnh có tám điều. Xin trích.

BTTĐB có toàn quyền nhận các đơn từ khiếu nại của nhân dân. Điều tra hỏi chứng, xem xét tài liệu của các UBND hoặc cơ quan của chính phủ cần thiết cho công việc giám sát. Đình chỉ bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử.

Thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các UBND hay cơ quan của chính phủ do BTTĐB truy tố.

Tòa án đặc biệt có toàn quyền quyết định án. Có thể tuyên án tử hình.

Những án tuyên có thể thi hành trong 48 giờ.

Nên nhớ thời điểm ấy chính quyền cách mạng non trẻ, cán bộ không thiếu những người nhiệt tình hăng hái nhưng do trình độ và cả thói cửa quyền tệ tham nhũng tiếm công vi tư. Thêm nữa trong quá trình trấn áp bọn phản cách mạng và các phần tử phá hoại đã có không ít những việc làm sai trái pháp luật, bắt bớ xử lý không đúng người đúng tội thiếu chứng cứ gây lo lắng hoang mang cho xã hội. Một số nơi, dân hoang mang gửi thư kêu xin lên Hồ Chủ tịch và các cơ quan nhà nước. Trong tình hình đó muốn củng cố chính quyền cần có cơ quan thanh tra minh bạch ngăn chặn những việc làm sai trái của người thừa hành.

Thế mà BTTĐB này nhân sự chỉ mỗi cụ Bùi và một người trẻ tuổi làm thành viên đồng thời cũng là phó ban. Đó chính là nhà thơ Cù Huy Cận của chúng ta. Tuổi lúc đó mới tròn… 26!

Trở lại câu chuyện của nhà thơ Huy Cận.

Ông bộc bạch rằng khi ấy lo quá là lo! Cụ Hồ cử làm Bộ trưởng Bộ Canh nông thấy đã quá sức lại đeo chức Phó Ban Thanh tra đặc biệt! Sợ mình không làm tròn nhiệm vụ đã đem nỗi lo lắng thắc mắc ấy bạo dạn hỏi Ông Cụ. Cụ nói thế nào, biết không?

 Ban thanh tra đặc biệt không cần nhiều người, lúc này hai người là đủ. Một vị cao tuổi là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ. Một người thanh niên hăng hái mà người trong nước cũng biết tiếng là chú! Người già người trẻ dựa vào nhau mà làm việc nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần
làm ngay!

Cụ đã nói vậy thì dẫy ra thế nào được! Với lại cũng tạm yên tâm. Hóa ra Ông Cụ đã trù liệu cả. Chẳng hạn việc Cụ Hồ chỉ định cái chức danh Trưởng BTTĐB. Đây là lần thứ hai, cụ Bùi can dự vào việc thanh tra. Năm 1928 khi đang làm Án sát Lạng Sơn, cụ Bùi được Chính phủ bảo hộ cử biệt phái thị sát cạnh viên thanh tra lao động ở Nam Kỳ trong các chuyến thị sát những đồn điền có sử dụng nhân công Bắc Kỳ. Đây là một việc vô tiền khoáng hậu bởi luật lệ của nhà nước bảo hộ không có chuyện một viên quan người bản xứ được đi thanh tra công việc của người Pháp. Nhưng qua việc thanh tra mấy tháng trời, cụ Bùi được đánh giá rất cao về trình độ phẩm chất nghề nghiệp.

Một viên quan của chế độ cũ bị lật đổ lại đi thanh tra công việc của của những người chính quyền cách mạng nhằm hưng lợi trừ hại cho nước nhà thì chỉ Ông Cụ mới nghĩ ra được mà thôi! 

Cụ Hồ đã tự tay viết lệnh sự vu giấy giới thiệu rõ ràng đầy đủ họ tên hai cán bộ thanh tra trong đoàn bằng hai văn bản. Một văn bản bằng chữ quốc ngữ một văn bản bằng chữ Hán rồi áp triện. (Hiện được lưu ở Cục Văn thư Lưu trữ Quốc gia)

Theo quy định của sắc lệnh, Trưởng BTTĐB Bùi Bằng Đoàn có quyền triền trảm hậu tấu, có quyền thi hành kỷ luật ngay tại nơi xảy ra vụ việc rồi mới báo cáo về cấp có thẩm quyền. “Việc cho cụ Bùi và tớ cái quyền đặc biệt vượt cả quyền hạn của Tòa án là quyết định quả cảm, táo bạo của cụ Hồ. Phải coi đó là sáng tạo, sáng suốt của vị Chủ tịch nước trong bối cảnh thế nước lung lay thù trong giặc ngoài, ngàn cân treo sợi tóc, biểu thị lòng tin mãnh liệt vào người được giao trọng trách”. Nhà thơ Huy Cận nói thêm.

Đợt công tác đầu tiên là thị xã Hà Nam. Nơi có nhiều người dân bị bắt gửi thư kêu oan. Với tác phong chu đáo cẩn trọng, thày trò cụ Bùi đã nhẫn nại những nghe ngóng xét thẩm tra kỹ càng. Sau đó mới làm việc với Tỉnh ủy Hà Nam. Kết thúc đợt thanh tra đã quyết định trả tự do cho 20 người trong số 60 người bị giam giữ.

Tháng 2/1946, một vị chủ tịch tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ bị dân tố có nhiều sai phạm. Hai thày trò lại công phu điều tra. Trước những chứng cớ hiển nhiên, vị quan đầu tỉnh nọ đã phải thừa nhận những tội lỗi cùng khuyết điểm. Cụ Bùi đã quyết định bãi chức vị chủ tịch nọ. Nhưng rất khéo bằng cách động viên vị ấy viết đơn xin từ chức.

Tháng 6 năm 1946, hai thày trò đến tỉnh X. để giải quyết vụ việc một số cán bộ lãnh đạo có hành động lợi dụng quyền lực để ức hiếp quần chúng trù dập cán bộ dưới quyền.

Không chỉ có việc trảm tướng, qua thực tế thanh tra cụ Bùi - vị Trưởng BTTĐB đã nhanh nhậy kịp thời kiến nghị Cụ Hồ cho thành lập các Ban thanh tra ở các Bộ và các vùng miền (địa phương) để hoạt động thanh tra được đều khắp, kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong việc quản trị đất nước.

Vai trò cố vấn của cụ Bùi đã khiến Sắc lệnh bảo vệ tự do cá nhân do Hồ Chủ tịch ký ngày 28/3/1946 ra đời. Sắc lệnh quy định cụ thể những việc bắt người, việc giam cứu, nơi giam cứu, cấm tra tấn để lấy cung… Đây là lần đầu tiên quyền tự do thân thể của công dân Việt Nam được pháp luật bảo vệ. Công của cụ Bùi quả thật lớn.

Thời gian đảm nhận vai trò cố vấn cho Hồ Chủ tịch cũng là thời gian làm Trưởng BTTĐB, hai việc ấy của cụ Bùi đã thể hiện rõ ý chí của Cụ Hồ trong việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chí sĩ yêu nước đồng thời làm trong sạch đội ngũ cán bộ cách mạng, loại trừ bọn cơ hội lưu manh, củng cố giữ gìn kỷ cương phép nước.

Sắc lệnh số 80 ngày 31/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh v/v cử ông Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt.

Rồi cuối năm 1946 tình hình biến đổi. Cụ Tôn Đức Thắng thay cụ Bùi đảm nhận chức Trưởng BTTĐB. Cụ Bùi gánh chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội thay cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận việc mới.

… Nhớ lại chuyện cũ, hồi ấy tôi có bạo dạn ngỏ với vị Phó BTTĐB Cù Huy Cận rằng, trong cuốn hồi ký mới của Cù Huy Cận, thế nào mà lại chả có những chương về công việc đặc biệt của buổi đầu dân quốc ấy. Nhà thơ đã từng là Phó hay là thành viên BTTĐB của Chính phủ?

Nghe vậy nhà thơ cười rất vui và nói sẽ… mần! Nhưng có lẽ bấn bíu với bao việc của cái tuổi mãn chiều xế bóng, ông đã để xổng những dòng hồi ký thú vị ấy?

Vậy nên bây giờ sự kiện ấy, hậu thế chỉ được chiêm ngắm và thưởng thức qua… quốc sử!