Áp đặt

TP - Mỹ và Venezuela đang bước vào một cuộc đối đầu ngoại giao căng thẳng nhất kể từ khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên cầm quyền.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (ảnh: PressTV)

Quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ với Venezuela vốn đã bắt đầu từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez, nhà lãnh đạo công khai không khuất phục sức ép của Mỹ tại Mỹ Latinh. Chính vì vậy, ông Hugo Chavez cũng như những người đi theo con đường của ông hiển nhiên là một cái gai cần phải nhổ trong mắt của giới lãnh đạo Mỹ.


Theo cáo buộc của Caracas, để đạt được mục tiêu trên, Mỹ đã lên kế hoạch chi tiết một âm mưu đảo chính mang tên “Chiến dịch Jericó” gồm bốn giai đoạn: gây rối loạn kinh tế, bôi nhọ hình ảnh Venezuela trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tấn công chính trị và cuối cùng là đảo chính quân sự. 

Tuy nhiên, sau khi âm mưu đảo chính bị chính phủ Venezuela phá vỡ với việc bắt bốn điệp viên của Mỹ, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị đẩy đến bờ vực. Trước tiên là việc Mỹ ban hành quy định hạn chế đi lại đối với một số quan chức trong chính phủ Venezuela. 

Đáp lại, Venezuela yêu cầu phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Caracas giảm 80% nhân sự, từ khoảng 100 người xuống còn 17 người, đúng bằng số nhân viên ngoại giao của Venezuela tại Washington và ban hành quy định thị thực với toàn bộ công dân Mỹ, kể cả khách du lịch.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trả đũa bằng tuyên bố coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh đối với Mỹ” và cấm bảy quan chức cấp cao Venezuela nhập cảnh.

Về bản chất, tuyên bố trên đã khẳng định Venezuela là kẻ thù của Mỹ. Theo quy trình mà Washington đã áp dụng với Iran và Syria, đây là bước đi đầu tiên để bắt đầu chương trình trừng phạt.

Tất nhiên, là đối tượng bị tấn công, Venezuela sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn phía Mỹ. Tuy nhiên, Washington cũng phải trả giá không hề rẻ trong vấn đề lợi ích địa chính trị. Hàng loạt quốc gia Mỹ Latinh – Caribean như Cuba, Ecuador, Bolivia… đã chỉ trích Mỹ, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ giành cho Venezuela. 

Sự đối đầu của Mỹ nhằm vào Venezuela khiến cho hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh bất bình bởi vì nó không chỉ thể hiện sự can thiệp vào nội bộ của một nước mà trên hết nó còn thể hiện thái độ áp đặt của Washington. 

Mỹ Latinh, khu vực vốn được Washington gọi là “sân sau của Mỹ”, đang bị chính Mỹ đẩy vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.