> Tôi tin ảnh nuy nghệ thuật sẽ có vị trí nhất định
Cảm giác của ông sau khi triển lãm ảnh nuy nghệ thuật của mình bị từ chối cấp phép?
Đương nhiên là buồn rồi. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không cấp phép cũng có cái lý của họ.
Tức là việc triển lãm ảnh nuy vẫn bị coi là cấm kị tại Việt Nam?
Năm năm kể từ sau triển lãm ảnh nuy của nghệ sỹ Thái Phiên không được cấp phép, tôi cũng chả có hy vọng gì về một triển lãm ảnh nuy của mình. Nhưng tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) hồi đầu tháng 3 vừa qua (mà nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề ảnh nuy và cách quản lý ảnh nuy nghệ thuật), tôi nhận thấy có nhiều ý kiến ủng hộ về triển lãm ảnh nuy.
Như phát biểu trả lời phỏng vấn của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và ông Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương trên báo chí, đều rất muốn có một triển lãm chuyên đề nuy, rồi sau đó sẽ có những hội thảo để bàn luận và định hướng.
Thấy ảnh nuy nghệ thuật được đem ra bàn luận, tôi le lói hy vọng về sự cởi trói cho ảnh nuy nghệ thuật nên cũng muốn thử xin cấp phép xem sao.
Sau khi nhận hồ sơ xin cấp phép triển lãm, Cục MT, NA&TL đã thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng đã làm việc và chọn được 28 ảnh được đánh giá là sạch sẽ, đầy tính nghệ thuật trình lên Bộ nhưng vẫn không được chấp nhận.
Liệu ông có tiếp tục nuôi ý định triển lãm ảnh nuy nghệ thuật không?
Chụp nuy với tôi là đam mê, là mảnh đất để tìm tòi thử sức mình. Vì thấy có tín hiệu tốt tôi có đủ điều kiện theo tinh thần thông tư nên đã xin phép triển lãm. Triển lãm cũng chỉ là một hình thức đánh dấu kết quả một quá trình làm việc, tìm tòi cật lực thôi.
Nếu không được cấp phép triển lãm, liệu ông có in sách?
Thực ra, tôi đang lên ma-két cuốn sách ảnh nuy nghệ thuật với bộ ảnh mới này. Khi thấy có tín hiệu từ hội thảo, tôi lại xin triển lãm trước, in sách sau.
Việc xin cấp phép in sách có dễ dàng hơn không, thưa ông?
Cũng khó như nhau. Tôi đang tìm chỗ xin phép in cuốn sách này, nhưng xem chừng cũng rất khó vì tôi đã đi mấy nhà xuất bản rồi nhưng họ đều lắc đầu.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thái Phiên cũng đã từng bị từ chối cấp phép triển lãm ảnh, nhưng lại được phép in sách đó thôi?
Thái Phiên được cấp phép là chắc do may mắn khi có ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh dám chịu trách nhiệm cấp phép. Bây giờ ra được quyển thứ hai chắc cũng khó. Khi tôi có ý định in sách ảnh nuy nghệ thuật, tôi tìm trên mạng thì thấy nhà xuất bản đã giải thể mất rồi.
Nói chung, ảnh nuy nghệ thuật vẫn chưa có lối thoát đâu.
Tính đến nay, đã bao nhiêu lần ông bị từ chối triển lãm vì ảnh nuy nghệ thuật?
Cũng chưa, đây là lần đầu tiên tôi chính thức xin cấp phép. Năm 2004 dự định làm cuốn sách nhìn lại 10 năm sáng tác trong đó có 1 chương ảnh nuy, tôi toàn được nghe lời khuyên “chưa phải lúc, cất đi đã” nên thôi.
Ông nghĩ sao khi tranh ảnh hở hang thì tràn ngập trên Internet, còn ảnh nuy nghệ thuật thì bị từ chối ?
Thế mới là nghịch lý. Tôi thấy dường như cái xấu, làm bừa thì không quản được. Cái đẹp, xin phép nghiêm túc thì lại cấm.
Với việc cấp phép khó khăn thế, ông có ý định ra nước ngoài triển lãm không?
Đang cân nhắc. Chắc cũng phải tìm con đường khác.
Được biết đây là bộ ảnh hoàn toàn mới của ông, đánh dấu một giai đoạn chụp ảnh nuy theo tư duy mới?
Ảnh nuy của Lê Quang Châu đã từng đoạt hai giải thưởng toàn quốc: giải khuyến khích Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 1997 cho tác phẩm Dưới trăng và giải B ảnh xuất sắc năm 2004 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho tác phẩm Sự hài hòa.
Bốn năm qua từ tháng 7 - 2009 đến tháng 2-2012, may mắn có một nhóm mẫu đồng ý chụp cả ngoài trời và chụp trong nhà đã đem lại một niềm hứng khởi mới nên tôi chụp rất nhiều. Bộ ảnh mới này đánh dấu một giai đoạn làm việc, một ý tưởng, chọn lọc được khoảng trên 50 ảnh. Những bức ảnh nuy từ 2009 về trước thì tạm quên đi vì cách nhìn bây giờ đã khác.
Tất nhiên, sau bộ ảnh này, tôi vẫn tiếp tục chụp ảnh nuy, nhưng phải tìm cách tiếp cận, cách thể hiện khác, tức là phải luôn luôn đổi mới mình.
Ông phát triển thế mạnh chụp ảnh nuy nghệ thuật từ bao giờ?
Ngày xưa tôi chụp nhiều, chụp các thể loại, chụp quảng cáo, chụp mẫu thời trang, hoa hậu, chụp phong cảnh, sinh hoạt, làm lịch... Nhưng ở lĩnh vực này, tôi cảm giác có những cái để cho mình tư duy hơn, nó rất khó lại tương đối hiếm. Ở lĩnh vực khác thì nhiều người lao vào lắm rồi.
Ông đã từng chụp ảnh các người mẫu, hoa hậu, nhưng có chụp ảnh nuy họ bao giờ không?
Không. Chụp những người nổi tiếng mệt lắm. Tôi chỉ chụp những con người rất bình thường thôi.
Quy chế đã lỗi thời
Tại buổi hội thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) hồi tháng 3 mà nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề ảnh nuy và cách quản lý ảnh nuy nghệ thuật, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thừa nhận rằng lâu nay, ảnh nuy nghệ thuật không được triển lãm, không được “chính danh”.
Theo ông, tất cả chỉ vì quy chế 29 về hoạt động nhiếp ảnh ra đời cách đây hơn 10 năm đã quá lỗi thời và vì thế cần phải có một thông tư hướng dẫn mới.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên hội đồng thẩm định phát biểu: “Việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chấp nhận hồ sơ xin triển lãm của anh Lê Quang Châu là một điều đáng ghi nhận. Cục cũng đã thành lập một hội đồng thẩm định hết sức nghiêm túc gồm rất nhiều thành phần để đảm bảo rằng cuộc thẩm định ấy tạo điều kiện cho việc công bố tác phẩm. Khi tác giả gửi đến 49 ảnh để triển lãm, hội đồng đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và chọn được 28 bức. Bản thân tôi, thành viên của hội đồng thẩm định, khi xem những bức ảnh đó không hề thấy nhức nhối về mặt thị giác, hay phản cảm về mặt thẩm mỹ, mà thấy đã đạt được giá trị nghệ thuật. Cả hội đồng thẩm định đã đồng thuận 100%, chỉ còn khâu cuối cùng là xin ý kiến lãnh đạo Bộ thì không qua được, đành dừng lại. Tôi rất lấy làm tiếc.
Nếu triển lãm này được cấp phép sẽ là khâu đột phá cho các nghệ sỹ khác đang chuyên tâm, đang thử nghiệm cho thể loại này có điều kiện công bố tác phẩm. Tôi cho rằng, điều này nên làm vì mấy thập kỷ nay rồi, vô tình cái dè dặt của việc quản lý nhà nước đã làm cho loại hình này bị loại ra khỏi hoạt động nhiếp ảnh, mặc dù nó vẫn tồn tại.
Trên thực tế, đây đang là thời cơ tốt cho sự phát triển. Đứng trước một thời kỳ hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng, nghệ thuật không có cớ gì lại tự thu hẹp mình.
Anh Vũ
Thực hiện