An thần

TP - Sao người ta không gọi nơi điều trị người tâm thần là “Bệnh viện An thần” nhỉ, là thắc mắc đầy bất ngờ của một nữ đồng nghiệp từ hàng chục năm trước.

> Mua bán bệnh án tâm thần: Chuyển công tác Trưởng khoa Khám bệnh
> Vụ 'mua bệnh án tâm thần': Báo cáo lãnh đạo tỉnh xử lý

Đất Cảng hiện có hàng chục sát thủ, trong đó có nhiều “ông trùm” vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội mà luật pháp không làm gì được, vì nhóm này đang chữa bệnh … tâm thần!

Thật là những kẻ “tâm thần” siêu việt, gây án xong đào thoát ra nước ngoài, tiếp tục chỉ đạo đàn em làm ăn từ xa, tiền bạc thu không thiếu một đồng, công an Việt Nam và nước sở tại cộng với cả lực lượng cảnh sát hình sự quốc tế Interpol toát mồ hôi mới tóm được gáy! Báo Tiền Phong từng khui ra đường dây mua bán bệnh án tâm thần. Nay cứ phải sống chung với đám “người điên” loại ấy, người dân nơm nớp lo sợ, dễ nổi cơn tâm thần thật.

Vừa có chuyện cô gái trẻ nọ bị kẻ cuồng si hằm hè truy sát, hốt hoảng đơn thư khắp nơi kêu cứu, rồi tự mình chạy đến đồn công an xin che chở. Nhưng rồi ngay sau đó vẫn bị tên ác thú chém chết giữa ban ngày, ngay chốn đông người. Những chuyện như vậy, hỏi ai mà định thần cho nổi.

Hô hào rèn kỹ năng sống cho trẻ, kinh phí vẫn đổ ra, nhưng vẫn nhức nhối cảnh học sinh liên tục chết đuối, cứ mỗi vụ lại cướp đi sinh mạng của hàng chục em…

Xã hội đang có biết bao chuyện khiến con người ta thấy thân phận mình thật là bấp bênh, bé mọn. Xã hội dù đã hiện đại, nhưng nhiều lúc vẫn có cảm giác như trong truyện ngắn “Nhật ký người điên” của Lỗ Tấn từ hàng trăm năm trước, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đồng loại ăn thịt.

Bữa cơm, nhìn con cá trên đĩa cũng sợ nó “ăn thịt” mình! Giờ, ra đường, đến trường, về nhà, cho đến thức ăn đồ uống hằng ngày, đâu cũng như thấy căn bệnh “bức hại cuồng” lẩn quẩn xung quanh. Không bằng đao búa thì cũng là hoá chất độc, lừa lọc, dỏm giả, những cỗ xe điên, những “ninja” nửa đêm xuất hiện trên nóc nhà…

Tâm thần là một căn bệnh xã hội. An thần – theo nghĩa được bình ổn tinh thần - là nhu cầu thiết thân của mỗi người. Cũng mong ngày nào đó những nơi chạy chữa người điên được gọi bằng cái tên Bệnh viện An thần, cho nhẹ lòng, dù có thể về nguyên tắc, tên khoa học của căn bệnh tâm thần là không thể thay đổi.

Được an thần, nhưng không phải theo tư tưởng an vi của người xưa, hay an tịnh của Phật pháp, phó mặc buông xuôi. Cũng không phải bằng những cục đá vẽ nhằng nhịt bùa chú, những nắm tiền nhét vào tay tượng Phật, hay những lá ấn, con rắn “thần”…

Tâm thần và an thần, chung quy lại vẫn là cầu hai chữ “an tâm”. Điều đó thì không thể tự người dân nào làm được, nếu không trông đợi, nương nhờ vào bộ máy chính quyền to nhỏ mà họ đang đóng thuế nuôi mỗi ngày.

Theo Báo giấy