An táng văn minh: Thay đổi tập quán thế nào?

“An táng thế nào cho văn minh” nên là vấn đề được bàn soạn nghiêm túc và rộng rãi hiện nay, nhất là khi từng có hội thảo khoa học về tập quán mai táng của người Việt cũng như xu hướng biến đổi tập tục đó; hoặc phát ngôn nhỏ lẻ của một số nhà nghiên cứu về tục này. Rộng hơn câu chuyện an táng, đó là lẽ sống chết.
Hỏa táng rồi gửi tro cốt vào khí quyển ở độ cao 24.000m ngày càng thịnh hành ở Mỹ - Một trong những xu hướng mai táng của tương lai

“Tục cải táng, nếu chúng ta duy trì sẽ kéo theo nhiều chuyện phiền hà, tốn kém” - TS Nguyễn Văn Vịnh, nhà nghiên cứu phong thủy, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục nêu quan điểm. Ông phân tích rộng hơn một số quan niệm u mê xung quanh văn hóa tang ma của người Việt.

Gần đây Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hẳn diễn đàn về tập quán mai táng của người Việt, xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra. Một số nhà khoa học đặt vấn đề về cải táng đang dần không phù hợp với đời sống hiện nay. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Mọi thời đại đều có người chết, vì thế mai táng muôn đời nay vẫn có. Câu chuyện bốc mộ hay còn gọi là cải táng, là phương pháp xuất hiện chưa lâu lắm, bắt đầu thời Lê. Thuật cải táng học theo cách của người Trung Quốc. Họ tỏa đi nhiều nơi xa xôi làm ăn, cho nên không phải khi nào chết cũng có cơ hội được đưa về quê. Theo quan niệm lá rụng về cội, nên người nhà cải táng và đưa về quê gốc. Khi du nhập Việt Nam, tục cải táng được giải thích với lí sự rằng lúc người chết nằm xuống, tang gia bối rối nên chưa chuẩn bị cỗ áo quan tốt, chưa chọn được vị trí đất tốt vì thế sau ba năm trở ra con cháu thực hiện việc bốc mộ.

Cải táng còn có ý nghĩa nữa về mặt phong thủy, bởi người ta có niềm tin nếu di cốt của tiền nhân tìm được nơi đắc địa táng xuống thì con cháu có cơ hội phát tích tùy theo khu đất có thể phát về quyền chức, học vấn hay tiền bạc. Chính vì thế, thuật âm trạch phong thủy, thuật chọn đất cho mộ táng được nhắc tới với nhiều điều bí ẩn và rắc rối.

Thực tế, nhiều nơi ở châu thổ Bắc bộ thường là nghĩa trang chia ra hai khu vực hung táng và cát táng. Quan niệm âm trạch nếu gói gọn tại khu nghĩa trang này chẳng giải quyết được vấn đề gì về cái gọi là âm trạch phong thủy cả. Chính vì thế chuyện cải táng không còn ý nghĩa.

Số liệu thống kê của Hà Nội cho thấy, nếu chọn điện táng (hỏa tang), mỗi năm thành phố tiết kiệm khoảng 40 hecta đất. Nếu xem cải táng là tập tục ăn sâu 5 thế kỷ nay, thì theo ông nên điều chỉnh theo hướng nào cho phù hợp?

Xưa kia, khu vực tụ sinh của dân cư tương đối rộng nên không thành vấn đề, nhưng cứ đà thổ táng rồi cải táng kéo dài, chẳng mấy chốc chúng ta không còn đất đai cho người chết. Nghĩa trang xưa kia xa nơi con người tụ sinh, lượng dân tăng lên nhanh chóng nên nhiều nghĩa trang rộng lớn trong đô thị cũng dần bị giải phóng nhường cho các khu đô thị, thậm chí nhiều khu dân cư ngày nay ở cạnh nghĩa trang nên mới có hiện tượng “người chết và người sống ở lẫn với nhau”.

An táng nói chung có nhiều cách như phong táng, thiên táng, điểu táng (Tây Tạng), hỏa táng, địa táng, thủy táng. Địa táng là một trong số các phương án, tuy nhiên nếu ta duy trì tập tục này lâu dài nghĩa là phải đối mặt nhiều chuyện phiền hà, tốn kém rắc rối cho con cháu. Cách thức hỏa táng dần trở nên phổ biến, bởi có thao tác nhanh chóng, tiết kiệm và vệ sinh, đặc biệt là với người chết mang bệnh tật hiểm nghèo, có nguy cơ lây lan. Phong tục, tập quán văn hóa không thể ép buộc tất cả phải theo, nhưng rõ ràng quá trình đô thị hóa nhanh nên nhiều gia đình không có điều kiện thực hiện đầy đủ hai lần táng. Mỗi suất đất mai táng ngày nay khá tốn kém.

Việc cải táng thường chỉ tiến hành vào tháng 10, 11 âm lịch thời tiết lạnh buốt và thường vào buổi đêm vì người ta quan niệm việc âm phải dùng thời gian âm khí nhiều nhất. Tôi tin rằng không ít người bị ám ảnh bởi những trải nghiệm cải táng này. Thay đổi thói quen bén rễ sâu không dễ dàng, vì vậy truyền thông nên tập trung phân tích để mọi người lựa chọn cách mai táng tiết kiệm, tiện lợi cho con cháu, đỡ phức tạp về mặt vệ sinh. Tập quán mỗi thời đại, mỗi nơi đều có thể thay đổi và nên thay đổi theo xu thế văn minh, tốt hơn cho đời sống người dân.

Xung quanh câu chuyện an táng cũng có hiện tượng ganh đua, quan niệm mộ phần dòng họ xây cất thật hoành tráng. Ông có thể nói gì về tâm lý này của người Việt?

Nhiều người tâm niệm rằng mồ yên mả đẹp, địa thế sơn phong thủy tú con cháu mới được nhờ. Cho nên có hiện tượng nhiều gia đình giàu có mua khu đất riêng làm nghĩa trang riêng, thiết kế cầu kỳ. Suy nghĩ này học theo thời vua chúa, vương công xưa chết đi thường có lăng mộ to lớn rực rỡ. Ngày nay gia đình có gia thế hay điều kiện vẫn nghĩ tới xây mộ càng to thể hiện lòng hiếu thảo và danh phận. Quan niệm này rất u mê, mang tính mê tín dị đoan rất nặng. Một số tôn giáo lớn trên thế giới như Hồi giáo chẳng hạn, khi con người kết thúc cuộc đời rất đơn giản chỉ cần tấm vải liệm trắng táng xuống nấm mồ vô danh cũng chẳng sao.

Không ít người chạy theo quan niệm phong thủy mồ yên mả đẹp chính là đang mang trạng thái của người sống áp đặt cho người chết. Từng có thời kỳ khi sống ở nhà to cửa rộng có người hầu kẻ hạ, nên khi chết đi người có quyền thế được tuẫn táng (chôn theo người sống), tuy nhiên sau này hình thức man rợ này không được thực hiện nữa mà chỉ làm tượng chôn theo. Tuy nhiên quan niệm trần sao âm vậy ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người Việt cho tới tận ngày nay.

Cảm ơn ông!

_______

“Tôi thấy rằng triết lý của đạo giáo, hay tam giáo ở Việt Nam “sinh ký tử quy” rất hay. Sống gửi thác về, bởi người ta tin khi chết đi sẽ được về cõi giới bên ngoài cõi nhân gian. Cõi ấy vừa vô hình, chẳng phụ thuộc vào đất đai, độ xa hoa tốn kém của cải tiền bạc chôn theo”.
TS. Nguyễn Văn Vịnh