Chiến dịch áo dài vì mục tiêu lớn

TP - Chiến dịch “Áo dài- di sản văn hóa Việt Nam” kéo dài nửa năm với chuỗi sự kiện lớn, để đi đến đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chiến dịch áo dài vì mục tiêu lớn ảnh 1 Mẫu của NTK Công Huân chủ đề: Di sản văn hóa phi vật thể- hát xoan

Đây được xem là cuộc ra quân rầm rộ nhất của áo dài từ xưa đến nay, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức. Chuỗi sự kiện, có thể coi là chiến dịch “Áo dài- di sản văn hóa Việt Nam”, dự định bắt đầu trong tháng 3 và kéo đến tận tháng 10 nhưng rồi phải hoãn đến tháng 4 mới khai mạc do diễn biến của dịch Covid-19.

Chuỗi sự kiện bao gồm: Trình diễn áo dài trên sân khấu và diễu hành trên đường phố, hội thảo về áo dài, thi sáng tác áo dài, vẽ áo dài…cùng những công việc có tính chất văn bản và thủ tục pháp lý sau đó.

Tình yêu và tâm huyết của các nhà thiết kế (NTK) dành cho áo dài được thể hiện trong những cuộc biểu diễn tại 5 địa điểm của 5 thành phố: Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội), Huế, Công viên văn hóa Ký ức Hội An, Trung tâm tượng đài Chiến Thắng (Đắc Lắc), TP Hồ Chí Minh, chợ nổi Ninh Kiều (Cần Thơ). Các NTK sẽ kể câu chuyện áo dài với ý tưởng hành trình của di sản từ Bắc vào Nam.

Lực lượng sáng tác chính gồm 20 NTK ba miền: Chu La, Hùng Việt, Nhi Hoàng, Lan Hương, Trần Thanh Mẫn, Phương Thanh, Trịnh Bích Thủy, Hà Duy, Trần Thiện Khánh, Vũ Trần Đức Hải, Cao Duy, Minh Minh, Công Huân, Trung Beret, Thanh Thúy, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Huệ Thi, Minh Hạnh. Họ sẽ giới thiệu 20 bộ sưu tập đặc sắc lấy ý tưởng từ 20 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của Việt Nam được sáng tạo trên những chất liệu truyền thống như: Lụa Nha Xá, lụa Hà Đông, lụa Bảo Lộc, lụa Tân Châu, vải dệt lanh bằng tay của dân tộc H’Mong, thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên…

Sẽ có hơn 200 người mẫu và 300 diễn viên chuyên nghiệp tham gia biểu diễn. Đặc biệt khoảng 5.000 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ 64 tỉnh thành cùng góp mặt trong sự kiện tôn vinh áo dài trong suốt 6 tháng. Thời điểm hiện tại, tất cả hội liên hiệp của 64 tỉnh thành đã và đang háo hức chuẩn bị lực lượng cho hoạt động này.

Tổng đạo diễn của chương trình biểu diễn- diễu hành áo dài ở 5 thành phố là NTK Minh Hạnh-tác giả của những ý tưởng táo bạo. 20 năm trước, Minh Hạnh đã lên ý tưởng và tổ chức thành công Lễ hội Áo dài đầu tiên trên cầu Tràng Tiền tại Festival Huế 2000, khởi phát cho các hoạt động tôn vinh áo dài ở khắp các tỉnh thành.

Minh Hạnh cho biết việc lùi thời gian tổ chức (khoảng một tháng) khiến chị và các cộng sự có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, và đánh giá sơ bộ: “Tôi thật sự hài lòng về đóng góp của các NTK. Với chủ đề quá khó được giao, các bộ sưu tập đã lột tả được vẻ đẹp của các di sản Việt Nam thông qua chiếc áo dài bằng những thủ pháp, kinh nghiệm khi xử lý chất liệu lụa và thổ cẩm truyền thống kết hợp kỹ thuật thêu tay và công nghệ in tiên tiến”.

Minh Hạnh nói thêm: “Sân khấu dành cho áo dài đều là những di tích, địa điểm mang dấu ấn lịch sử của các tỉnh thành. Áo dài cũng sẽ xuất hiện như một tất yếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

Tôn vinh áo dài

Từ đầu tháng 3,  Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài từ 2-8/3, vận động phụ nữ Việt Nam ở ngoài nước mặc áo dài cùng thời điểm. Sau đó, từ tháng 4 sẽ là chuỗi sự kiện “Áo dài- di sản văn hóa Việt Nam”.

Mục đích của chiến dịch này- do Hội LHPN Việt Nam kết hợp Bộ VHTTDL tổ chức, là vừa khẳng định tôn vinh vị thế/giá trị của áo dài vừa khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản của dân tộc. Đặc biệt, đây chính là bước khởi sự để đi đến các thủ tục pháp lý liên quan đến áo dài Việt Nam: Vận động các NTK đồng loạt đăng ký sở hữu trí tuệ áo dài, đề xuất sở hữu trí tuệ cho áo dài Việt Nam…

Tất cả các bước đều nhằm khẳng định, chứng minh áo dài là di sản văn hóa độc đáo của quốc gia, để tiến tới đề xuất UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa vật thể của nhân loại. Vô số công việc cần làm trong giai đoạn sắp tới đã được lên kế hoạch, từ những việc nhỏ như đề xuất sử dụng từ “Áo Dài” trong các văn bản nhà nước có dịch tiếng nước ngoài, các tài liệu, ấn phẩm liên quan; đề xuất về áo dài trong các hoạt động tiếp khách, sự kiện…

Chiến dịch áo dài vì mục tiêu lớn ảnh 2 Mẫu của NTK người Tây Ban Nha Chula với chủ đề: di sản văn hóa thế giới- phổ cổ Hội An


Từ đầu tháng 3,  Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài từ 2-8/3, vận động phụ nữ Việt Nam ở ngoài nước mặc áo dài cùng thời điểm. Sau đó, từ tháng 4 sẽ là chuỗi sự kiện “Áo dài- di sản văn hóa Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.