An Giang cho kinh doanh trở lại; Số ca mắc COVID-19 tại Hậu Giang giảm mạnh

TPO - Từ ngày 20/12, tỉnh An Giang cho phép quán ăn bán tại chỗ nhưng không phục vụ bia rượu; dỡ bỏ quy định hạn chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, mua bán trở lại trong trạng thái bình thường mới vào các dịp lễ tết cuối năm.

Ngày 17/12, UBND tỉnh An Giang đã ban hành văn bản nới lỏng một số hoạt động trên địa bàn.

Theo đó, trong 3 tuần qua, An Giang được đánh giá ở cấp độ 2. Cụ thể, đánh giá cấp độ dịch vào ngày 17/12, tỉnh An Giang vẫn là vùng vàng. Trong đó, huyện Phú Tân, Tri Tôn thuộc cấp độ 1; TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu và các huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành thuộc cấp độ 2; huyện Châu Phú, Tịnh Biên thuộc cấp độ 3 và không có địa phương cấp huyện nào cấp độ 4.

An Giang ngừng yêu cầu người dân không ra đường từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4) - Ảnh: Kim Hà.

Bên cạnh đó, tỉ lệ bao phủ vắc xin của An Giang đối với người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt 98%, mũi 2 đạt 95%; trẻ em từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 54%.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, mua bán trở lại trong trạng thái bình thường mới trong các dịp lễ tết cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4).

Tuỳ theo kết quả đánh giá cấp độ dịch của từng khu vực mà Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường ban hành các biện pháp hành chính tương ứng đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt và kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch.

Cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4) được phép phục vụ khách tại chỗ nhưng không phục vụ bia, rượu; đồng thời, giảm quy mô công suất phục vụ còn 50%, tuân thủ 5K.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức và người lao động không được chủ quan lơ là dù đã được tiêm đủ liều vắc xin. Hiện nay, các trường hợp F0 xuất hiện khá nhiều tại các đơn vị công sở, vì vậy cần tăng cường giải pháp quản lí nhân sự chặt chẽ, hạn chế tối đa tham gia các hoạt động vui chơi, tụ tập tiệc tùng sau giờ làm.

Số ca mắc COVID-19 tại Hậu Giang tiếp tục giảm mạnh


Tối 17/12, Sở Y tế Hậu Giang cho biết, từ 18 giờ ngày 16/12 đến 18 giờ ngày 17/12, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 mới, giảm 16 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại tỉnh này giảm sâu.

Trong 28 ca mắc mới, có 1 trường hợp về từ tỉnh Đồng Nai; 1 trường hợp là F1 được cách ly tập trung tại thị xã Long Mỹ và 26 trường hợp là ca mắc cộng đồng ghi nhận tại thị xã Long Mỹ (15), huyện Long Mỹ (5), TP Ngã Bảy (2), huyện Phụng Hiệp (2) và TP Vị Thanh (2).

Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 10.921 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 7.514 ca; tử vong tại tỉnh 41 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).

Toàn tỉnh còn 1.007 người cách ly tập trung; 4.786 người cách ly tại nhà và nơi cư trú; 5.221 người tự theo dõi sức khỏe.

Về tình hình tiêm vắc xin, tỉnh đã tiêm cho 590.639 người (557.788 người đã tiêm đủ 2 mũi; 32.851 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 97,37% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).

Ngoài ra, Hậu Giang đang triển khai tiêm vắc xin mũi 3 phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc làm nhiệm vụ ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đã hoàn thành tiêm ngừa mũi thứ 2 đủ thời gian, đến cuối ngày 17/12 đã tiêm được 2.526 liều.

Không tổ chức họp tổng kết năm 2021

Cũng trong ngày 17/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh có công văn chỉ đạo các sở ngành và địa phương trong tỉnh về việc chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, tỉnh đang nỗ lực tập trung triển khai các phương án phòng, chống dịch theo hướng an toàn, linh hoạt nhằm sớm kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn.

Để công tác triển khai đạt được hiệu quả, hạn chế thấp nhất số ca mắc mới và lây lan trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến: Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố không tổ chức họp tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2021 theo tinh thần tại Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 20/2/2014 của UBND tỉnh.

Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đảm bảo khoa học, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị…

Theo Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được ban hành theo Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 20/2/2014 của UBND tỉnh, mục tiêu của quy định này là nhằm giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức các cuộc họp, góp phần tích cực tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính.

Một trong những nguyên tắc tổ chức cuộc họp là chỉ tiến hành khi thực sự cần thiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác quan trọng; không dùng cuộc họp để thay cho việc ra các quyết định quản lý, điều hành…