> Hàng ngàn người trẩy hội chùa Hương
Tuy nhiên, phải chính hội mới có đầy đủ hát xoan, ca trù, múa sạp, vô số các trò chơi dân gian, các loại hình ẩm thực, thủ công mỹ nghệ…
Chơi nghịch mệt nghỉ
Ngày hội vui của người nhưng hẳn là ngày hơn cả vất vả của… những con chạch. Trò bắt chạch trong chum diễn ra 4 ca trong ngày. Thời gian còn lại, du khách vẫn có thể bắt chạch tự do, không theo thể thức và tất nhiên không được trao giải.
Đúng thể thức có nghĩa là từng đôi nam nữ ôm eo nhau, hai tay còn lại khoắng trong chum. Trong 5 phút, ai bắt được 3 con trạch đầu tiên sẽ giật giải Nhất, sau đó lần lượt đến giải Nhì, Ba. Giải thưởng là tranh Đông Hồ hay phong bao lì xì trị giá chỉ 1-2 nghìn... Ai tham dự lần bắt chạch cuối cùng có cơ hội được mang chạch về rán, nữ tình nguyện viên hướng dẫn trò chơi cho hay.
Có nam thanh niên giao hẹn chỉ chơi với điều kiện cặp đôi với người dẫn chương trình. Cũng như thế ở trò chơi nhảy lò cò theo kiểu của người Ê-đê, nữ tình nguyện viên cũng khéo léo từ chối trước lời mời tương tự. Kể ra cứ phải nhảy lò cò cả ngày để làm mẫu và gợi hứng cho du khách mà vẫn giữ được phong độ tươi tỉnh đúng là xứng đáng làm… tình nguyện viên.
Sau hàng nghìn năm có mặt ở các làng quê, các trò chơi vẫn giữ nguyên nét hấp dẫn với người thành phố. Mỗi khi tảng pháo đất rơi cái đùng xuống sân, du khách lại vỗ tay reo hò ầm ĩ. Mà trên đời thử hỏi có trò gì giản dị như pháo đất. Pháo đất ngày chỉ diễn ra hai hiệp, thời gian còn lại, bọn trẻ con cả Tây lẫn ta tha hồ xông vào nghịch đất.
Một cô bé lên ba áng chừng người Pháp dùng đất nặn một bức tượng, xong bố mẹ bé nâng niu gói tượng vào giấy, đút túi mang về. Những cảnh hiếm có thời nay như bố hướng dẫn con chơi quay, hay mẹ cùng con trai chơi ô ăn quan- đều có thể bắt gặp ở bảo tàng những ngày này. Tổng cộng có 16 trò chơi của các dân tộc Việt, Thái, Tày, Cao Lan, H’Mông, Dao, Nùng, Pà Thẻn… Đúng là “dân chơi” thành phố được phen “no dồn đói góp”.
Bánh cuốn mà không phải bánh cuốn
Năm nay, người Tày xứ Lạng tiếp tục được tín nhiệm phụ trách chính trong phần ẩm thực. Buổi trưa, nhà người Tày lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng quanh chõ xôi tím, lạp xường gác bếp và nhất là quanh con lợn quay với lá mác mật vừa xẻ ra, miếng nào miếng nấy còn bốc khói.
Khung cảnh dân tình xỉa tiền về phía người bán thịt phần nào gợi nhớ đến phát ấn đền Trần. Lợn quay 40.000 đồng/lạng không có mà mua. Người mua mà không chịu xếp hàng tử tế còn lâu mới được bán. Không những được xào ăn tại chỗ, cải làn còn được bán tươi mang về. 25.000 đồng/mớ độ nửa cân.
Bỏ ra độ 15-20 nghìn, du khách được tự tay làm các loại bánh tai (Phú Thọ), bánh bác, bánh cuốn (Hoài Đức, Hà Nội). Tất nhiên sau đó được thưởng thức sản phẩm của mình luôn. Bánh tai đơn giản hình cái tai, vỏ bột nếp bọc nhân thịt lợn hành khô giã nhuyễn hấp lên. Bánh bác, bánh cuốn cũng được làm theo cùng một cách.
Vỏ ngoài (bột nếp rán đối với bánh bác, và xôi gấc đối với bánh cuốn) còn nóng cuộn nhân đỗ xanh đồ, gói chặt bằng lá chuối, để nguội cho các thành phần kết dính là ăn ngon. Bột bánh bác trộn với gấc khi còn sống trông nhờ nhờ mà khi rán lên đỏ rực rỡ đúng màu gấc chín.
Năm nay không thấy bày dọc đường các chõng tre với giỏ nước vối và kẹo lạc, khách dùng rồi tự động để tiền lại như năm ngoái, đành mua chai nước suối. Chưa kịp đến hớp thứ hai, mải chơi, chai rơi đâu mất.
Chết mệt vì hát xoan
Vừa bước vào cửa bảo tàng, du khách bị thu hút ngay bởi sân khấu đình làng với hát xoan- nghệ thuật vừa được UNESCO ghi nhận là di sản cần bảo vệ khẩn cấp- và múa hát của người Cao Lan. “Đình làng” thực ra chỉ là vài chiếc chiếu điều trải ngay trên sân, phông là tấm ảnh đình làng phóng lớn. Khán giả xúm xít cổ vũ nhiệt tình, đôi song ca Cao Lan hát chay, được mọi người vỗ tay giữ nhịp.
Các thiếu nữ phường xoan An Thái, tỉnh Phú Thọ tươi duyên trong chiếc áo dài cánh kiến, chít khăn mỏ quạ đen vây quanh mấy chàng trai vận áo nâu non trong tiết mục Mó cá. Các cô làm lưới, các chàng làm cá. Tuy thế, các chàng lại hát rằng: “Chúng ta đánh cá ngắm trăng/ Cá lội mà chẳng được thung thăng là anh bắt đào/ May ra bắt được cá vàng/ Đem lên cúng tiến cả làng bình yên…” Một giai điệu, một tiết tấu không quá nhanh nhưng lặp đi lặp lại khiến điệu hát có vẻ gì rất rạo rực.
“Vua Hùng đi đánh giặc về qua làng. Vợ vua trở dạ rất lâu nhưng không sinh nở được. Người hầu tâu rằng trong làng có một người con gái tên là Quế Hoa, múa dẻo hát hay. Vua cho đón Quế Hoa đến hát mua vui cho bà phi, hát đến đâu an thai đến đó. Chính vì thế mà làng ban đầu tên là An Thai,” bà Nguyễn Thị Lịch- trùm phường xoan An Thái (Việt Trì, Phú Thọ) kể sự tích làng mình.
Bà Lịch than thở, tiền công của bảo tàng thấp quá, phục vụ 2 ngày, mỗi ngày 4 suất mà mỗi diễn viên chỉ được 400.000 đồng. Bà cho hay, cat-xê đi diễn của phường thường tùy vào đơn vị mời, phường không bao giờ đưa ra một giá nào.
Chiều 28-1, sau khoảng 6 suất diễn, các cô gái thắc mắc anh đánh trống: “Sao anh đánh nhanh thế!” Cũng phải thông cảm vì cả đoàn có mỗi một tay trống, mà nhạc cụ của hát xoan chỉ có trống và trống, đánh mãi cũng phải mỏi tay.
Anh đánh trống Nguyễn Văn Tuấn, 23 tuổi, đồng thời cũng là giọng nam chủ lực vừa học xong lớp chèo trường nghệ thuật tỉnh cho hay, không còn hơi sức đi chơi hội trong bảo tàng: “Quá mệt mỏi. Các cấp các ngành quan tâm đến hát xoan nên quan tâm từ người diễn viên” Tuấn tâm sự. Tuấn cho hay đã gắn bó với hát xoan 11 năm, còn các cô gái để múa hát được như hôm nay cũng phải mất 7-8 năm rèn luyện. Hơi tiếc là một tay các cô lại phải cầm micro nên không thể hiện được hết động tác múa.