Ẩm thực “kẹp” văn hóa

TP - Tour ẩm thực (food tour) bùng nổ ở Hà Nội hơn năm trở lại đây sau thời gian dài nằm “đắp chiếu”, đi “cắc bụp”. Du khách thay vì nhăm nhăm tới Văn Miếu, Hỏa Lò điểm danh rồi thẳng hướng Hạ Long, Sa Pa giờ bắt đầu nhẩn nha thưởng thức các món ăn đặc trưng của phố cổ.
Vịt quay Hà Nội là món khoái khẩu của nhiều du khách. Nguồn Hanoi food tasting tours.

Ăn và tản bộ

“Dù food tour đã phổ biến trên thế giới, vẫn có khách nghĩ chỉ cần ngồi taxi, đổ xuống nhà hàng” - Nguyễn Ngọc Hà, biệt danh Hà “phố cổ”, một guide kỳ cựu cho biết. Cũng mới đây thôi, anh dẫn tour cho đoàn bác sĩ Mông Cổ. Mấy vị này kiên quyết không đi đâu hết, cứ ngồi một chỗ gọi món nhắm, uống vodka. Cũng là ẩm với thực.

“Hôm đấy uống hơi nhiều nhưng khách vui thì coi như tour thành công”, anh Hà kể.

Có rất nhiều hình thức cho khách tham gia tour ẩm thực Hà Nội. Ngồi xích lô, xe máy ngắm phố phường, đói vào quán hoặc ra chợ mua rau củ quả về nhà hàng tự tay chế biến hoặc thăm rồi thưởng thức các món dân dã tại các làng ven đô. Phổ biến nhất vẫn là tản bộ và ăn uống. Dễ hiểu vì vận động nhiều mau đói, ăn thấy ngon hơn. 

“Người nước ngoài đọc thông tin trên báo khen món ăn Việt nên càng ngày càng nhiều khách đặt tour ẩm thực. Hy vọng nó sẽ trở thành một tour truyền thống như kiểu tour Hạ Long”. 

Tour guide Nguyễn Ngọc Hà

“Đi bộ dễ vào được ngóc ngách phố cổ. Chúng tôi đặt điểm hẹn ở chợ Đồng Xuân, ăn bánh cuốn thịt nướng gần đấy. Ra nhà thờ (Lớn) ăn nem chua. Ngồi uống café trứng ở Hàng Gai có thể view toàn cảnh Hồ Gươm” - chị Hường, quản lý marketing của Hanoi Urban Adventures cho biết khách đặt tour ẩm thực hằng tháng vào khoảng 200 - 250 người. 

“Tour ẩm thực không chỉ ở đường phố mà chia thành ba mức độ”, quay lại với anh Hà, “Quán vỉa hè, ví dụ bánh đa cua hàng rong rất ngon, nhưng ghế thấp trong khi chân của Tây lại dài. Nhiều lúc tôi phải gọi đồ rồi vào nhà hàng quen bên cạnh cho khách thưởng thức. Hay như phở bưng, trứng lộn, tiết canh… giới thiệu họ xem để biết thôi”.

Ngoài quán vỉa hè, anh Hà còn dẫn khách vào quán gia đình (thường ăn phở) và nhà hàng cao cấp: “Guide phải nắm rất rõ mới nên đưa khách vào một nhà hàng có tiếng. Chọn sai món, khách thấy không ngon thì hỏng hết”. 

Nói chung guide phải biết linh động. Khách từng ăn phở rồi thì không ép ăn lại. Khách trót ăn lửng bụng từ trước thì khéo léo kéo dài hành trình, tăng giới thiệu phố xá chùa chiền để người ta chẳng ăn mấy mà vẫn thấy vui. Ngay cả động tác “chia nửa bát phở, chia đôi đĩa bún” cũng là một bí quyết.

Người nước ngoài đã gọi đồ thì thường phải ăn cho hết, mà ăn hết thì no kềnh mất ngon. Nên mới có chuyện “một suất cho hai người”, tránh lãng phí.

Tiền “tip” cho văn hóa

“Khởi điểm của tôi là walking, tour đi bộ tour 1 đô. Tour này đúng nghĩa bán văn hóa. Đi bộ ăn bát phở hoặc uống cốc café là xong”, Hà “phố cổ” nhớ lại. 

Chục năm trước ở Hà Nội đã có tour ẩm thực. Nhưng có lẽ các nhà cung cấp mải quan tâm tới chuyện ăn mà quên mất khách còn cả nhu cầu khám phá. Một công ty du lịch lớn từng làm tour ẩm thực giá tới 70 đô và thất bại, bị khách cho là không đáng vì chỉ tốt ở khâu ăn. Mà số tiền ấy, vào hồi ấy, đủ vào nhà hàng lớn ăn nhòe. 

Phở - bún chả - chả cá Hà Nội thì nổi tiếng rồi. Nhưng một món ăn đến lần thứ hai đã bớt ngon. Ngược lại thì văn hóa của mảnh đất có truyền thống bao đời như Hà Nội khiến khách muốn tìm hiểu thêm. Những người làm du lịch như Hà “phố cổ” thành công là nhờ biết kết hợp văn hóa - ẩm thực.

“Lý do chọn cái tên Hanoi food tasting tours (đang đứng top đầu các hoạt động khách nên theo ở Hà Nội trên trang Tripadvisor) là để nhấn mạnh chuyện khám phá, cảm nhận (tasting) văn hóa của người Việt thông qua ẩm thực”.

Anh Hà thường kết hợp giới thiệu cho khách về văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống thường nhật của người Hà Nội trong quá trình đi tới quán xá đồng thời giải đáp các câu hỏi thường gặp như sao người Việt lại mảnh mai, lý do người Việt có nhiều loại bún phở hay bánh mì pate Việt khác biệt ở chỗ nào. 

Hơn nhau ở sự khác biệt. Nhiều nước châu Á có món thịt nướng nhưng thịt nướng Việt được chấm bằng nước mắm vắt quất vị chua thanh. Món hoa quả dầm cũng được nhiều khách chuộng. 

Tour ẩm thực cũng có một số khách Việt, phần nhiều Việt kiều xa quê. Có guide gặp trường hợp dẫn đoàn toàn người Việt, nửa trong nước nửa ngoài nước. Hết tour bị cánh trong nước thắc mắc rồi dẫn tới tranh cãi vì họ cho rằng giá 25 đô quá đắt so với thứ mà họ nhận được. Rốt cuộc nhà tour chỉ thu đủ tiền ăn uống. Còn tiền “tip” văn hóa, đành trả lại cho khách.