Cơm chay trợ giá giúp sinh viên
Ra đời vào tháng 7/2013, những người tổ chức chỉ mong muốn giúp đỡ được nhiều học sinh, sinh viên, người lao động nghèo có những bữa cơm no để lao động, học hành.
Nhiều người con xứ Huế đang sống, làm việc ở trong và ngoài nước thông qua sự vận động của một vị tăng sĩ xứ Huế đã cùng nhau đóng góp kinh phí để mở quán cơm chay nhân ái Huế Thương.
“Từ sáng sớm cho đến chiều tối, mỗi ngày quán đón tiếp hàng trăm thực khách và phục vụ 300-350 suất cơm cho nhiều đối tượng khác nhau…”, anh Nguyễn Văn Sung, quản lý quán cơm chay Huế Thương, cho biết.
Tiếng là cơm giá rẻ hoặc miễn phí, nhưng nhìn mỗi suất ăn được phục vụ chu đáo, ít ai nghĩ rằng đó là thực phần giá chỉ 5.000 đồng, vì trong thực đơn luôn có ít nhất 3 món… được bày biện bắt mắt, hấp dẫn.
Để phục vụ tốt nhu cầu của khách, nhiều tình nguyện viên phải thức đêm, vượt gần 10km để đến chợ đầu mối thường họp vào buổi khuya, chọn mua nguyên liệu rau củ làm cơm chay.
Cứ 10 giờ sáng mỗi ngày, quán cơm trở nên rộn ràng, khi dòng thực khách từ nhiều nơi lại tấp nập đổ về để ghi phiếu và lấy cho mình một suất cơm giá rẻ. Có người chỉ mua 1 suất nhưng có thực khách lại đặt 10-20 phần cơm để bạn bè và người thân cùng ăn.
Cũng từ địa chỉ Huế Thương, nhiều bạn sinh viên đã trở thành những tình nguyện viên phục vụ tự nguyện tại quán. Từ hơn 3 tháng nay, Nguyễn Bích Hạnh (quê ở Nghệ An, sinh viên năm thứ 3, Học viện Âm nhạc Huế) đã làm thuần thục các công việc phục vụ như lấy cơm, thức ăn và bê cơm khi khách gọi.
“Nghe bạn bè giới thiệu có quán chay vừa rẻ, vừa ngon lại hợp với túi tiền của sinh viên, nên em đã tìm đến ăn thử. Sau nhiều lần đến đây, em không biết mình đã gắn bó với quán từ khi nào nữa”, Hạnh chia sẻ.
Những suất cơm “đặc biệt”
Cầm trên tay xấp vé số vẫn chưa bán hết, hai cụ bà Nguyễn Thị Tư (68 tuổi, ngụ xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) và Nguyễn Thị Cược (76 tuổi, quê Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) cùng nhau đi vào quán cơm giữa trưa.
Đã thành thói quen như ở nhà, hai cụ bà đến bên bàn lấy phiếu có ghi dòng chữ “suất cơm miễn phí” để làm thủ tục nhận suất ăn. Vì các cụ là khách quen, nên các tình nguyện viên luôn lấy thêm cơm và phục vụ chu đáo như những người cháu chăm lo cho bà mình vậy.
Cụ Cược kể: “Gần 3 tháng trước, đang đi bán vé số thì được người mua vé số đưa đến đây để ăn cơm miễn phí. Lúc mới vào ăn, nghe nói không phải mất tiền thì tui mừng lắm, không ngờ lại có nơi tốt như thế này”.
Được nhiều người cùng bán vé số dạo giới thiệu, bà Nguyễn Thị Tư cũng trở thành khách quen của quán. Hằng ngày, công việc bán vé số dạo chỉ giúp bà kiếm được vài chục ngàn đồng. Có cơm chay miễn phí, nên bà Tư đỡ đi một khoản tiền ăn hằng ngày.
“Không chỉ được ăn cơm miễn phí ở đây, đôi khi tui còn nhận được cả gạo từ các nhà hảo tâm gửi cho mang về nhà nữa”, bà Tư cho biết.
Không chỉ có cơm chay miễn phí cho người nghèo trên địa bàn thành phố Huế, cứ vài tháng, nhóm thiện nguyện quán cơm Huế Thương còn dành tiền quyên góp hay trích quỹ bán cơm để tổ chức tặng quà (gồm gạo và quần áo) cho người nghèo vùng khó khăn thuộc hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.